Thứ Ba, 1 tháng 5, 2018

Dấu hiệu cảnh báo ung thư vòm họng

Đau họng kéo dài trên một tuần và uống thuốc không hiệu quả, hay bị ngạt mũi, tắc mũi kéo dài... cần sàng lọc ung thư vòm họng.

Ung thư vòm họng là bệnh ung thư nguy hiểm thường gặp ở một số nước khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Đây là loại bệnh ung thư có tỷ lệ cao. 
Bệnh đứng đầu trong các bệnh ung thư đầu cổ và thứ 5 trong các bệnh ung thư nói chung. Bệnh có thể chữa dứt điểm nếu phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời. Ở giai đoạn muộn, điều trị đưa lại kết quả khả quan trong việc nâng cao chất lượng và kéo dài thời gian sống.
Bệnh thường xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là nam giới từ 40 đến 60 tuổi. Tuy nhiên, biểu hiện không rõ ràng nên bệnh nhân ung thư vòm họng đa số chỉ được phát hiện ở giai đoạn cuối. Nếu gặp các biểu hiện sau, bạn cần nghĩ đến bệnh ung thư vòm họng.
- Người bệnh bị đau họng kéo dài trên một tuần và uống thuốc không hiệu quả.
- Hay bị ngạt mũi, tắc mũi kéo dài.
- Bệnh nhân thấy khó nghe, khó nói tự nhiên bị chảy máu cam, khó thở và nổi những hạch bất thường khu vực vòm họng kèm theo bệnh đau nửa đầu.
Nếu có những biểu trên, cần đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra và phát hiện bệnh sớm nhằm có phương án điều trị hiệu quả.
Do chưa xác định rõ nguyên nhân gây bệnh nên rất khó để đưa ra các biện pháp phòng tránh tốt nhất. Tuy nhiện, những người mắc bệnh thường hay uống rượu, hút thuốc hoặc ăn các đồ ăn lên men. Vì thế, để phòng bệnh nam giới không nên hút thuốc lá, thuốc lào, hạn chế uống rượu bia và các đồ uống có cồn để giảm nguy cơ dẫn đến bệnh ung thư vòm họng. Đồng thời, hạn chế ăn các loại đồ ăn lên men như dưa muối, cá muối, cà muối... Tăng cường luyện tập thể dục, thể thao để tăng cường sức khỏe.
Người bện cần thăm khám nội soi tai mũi họng khi có các triệu chứng ngạt mũi, ù tai, nổi hạch cổ một bên tăng dần để được phát hiện sớm bệnh. Đặc biệt, ở những gia đình có bố mẹ, anh chị em ruột bị ung thư cần khám sức khỏe định kỳ.

Chàng trai trẻ tuyệt vọng chiến đấu với ung thư bộ phận sinh dục

Mới ngoài 20 tuổi, Dale Clarke luôn nghĩ mình có sức khỏe hoàn hảo. Tuy nhiên, tai họa ập đến khi anh phát hiện mình bị ung thư dương vật.
Theo Men's Health, tháng 6/2017, Dale nhận thấy cục u nhỏ trên đầu "cậu nhỏ" kèm theo khó tiểu nhưng không mấy bận tâm. Người đàn ông trẻ tuổi tin rằng đó chỉ là tình trạng nhiễm trùng nhẹ. Ít lâu sau, cục u nhỏ kia lớn lên, bằng cỡ một quả nho, Dale đi khám. 
Các bác sĩ ban đầu phỏng đoán cục u xuất hiện do nam bệnh nhân chưa cắt bao quy đầu, song Dale lo sợ về trường hợp xấu nhất. "Tôi đã nghiên cứu và khá chắc mình bị ung thư", anh kể. Hai tuần trôi qua, kết quả xét nghiệm chứng minh Dale đã đúng. "Khi họ gọi điện xác nhận căn bệnh, tôi chẳng biết nói gì", anh nhớ lại. "Tôi dập máy với tâm trạng tan nát".
Dale bên vợ chưa cưới. Ảnh: MH.
Dale bên vợ chưa cưới. Ảnh: MH.
Dần dần, Dale mới đủ bình tĩnh chấp nhận sự thật. Trong nửa năm qua, nam bệnh nhân 25 tuổi trải qua năm ca phẫu thuật, chín đợt xạ trị cùng hai đợt hóa trị. Do tình trạng quá nghiêm trọng, khối u của Dale vẫn chưa bị tiêu diệt.
"Tôi không còn cảm giác gì ở bộ phận sinh dục. Ung thư vẫn tiến triển nên tôi sẽ mất nó sớm thôi", Dale nói đồng thời tiết lộ mình mất hoàn toàn khả năng ân ái.
Trên thực tế, ung thư dương vật vô cùng hiếm nhưng vẫn xảy ra. Tại Mỹ, ước tính năm 2018 sẽ có 2.320 người được chẩn đoán ung thư dương vật, trong đó 380 ca tử vong.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, 95% ung thư dương vật bắt đầu từ tế bào da. Vấn đề là rất khó nhận biết bởi các triệu chứng sớm dễ bị nhầm lẫn với những bệnh khác. Tốt nhất, để kịp thời can thiệp, nam giới nên đi khám ngay nếu thấy bộ phận sinh dục thay đổi kết cấu, màu, độ dày của da hay nổi cục u, phát ban, đau. Đôi khi, ung thư lan tới hạch bạch huyết gần háng khiến chúng sưng lên.

7 dấu hiệu ung thư buồng trứng mọi phụ nữ cần cảnh giác

Các chuyên gia Trung tâm Ung thư Parkway Singapore cảnh báo ung thư buồng trứng phổ biến với tỷ lệ tử vong cao. Yếu tố nguy cơ gây bệnh chủ yếu do gen. Một phụ nữ có mẹ hoặc em gái, con gái bị ung thư buồng trứng thì người đó có nguy cơ bị bệnh này cao gấp ba lần so với bình thường.
Các nhà khoa học phát hiện sự biến đổi của gen BRCA1 và BRCA2 sẵn có trong cơ thể làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng. Theo thống kê, khoảng 15 đến 40% phụ nữ có gen BRCA1 hoặc BRCA2 đột biến được chẩn đoán bị ung thư buồng trứng trong suốt cuộc đời của họ. Độ tuổi phát hiện ung thư thường trước 50. Phụ nữ rụng nhiều trứng càng làm tăng rủi ro bị ung thư buồng trứng.
Image result for ung thư buồng trứng
Vị trí của buồng trứng trong cơ quan sinh dục nữ.
Ung thư buồng trứng phát hiện và điều trị sớm mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên trên thực tế, bệnh rất khó phát hiện trong giai đoạn đầu bởi vì các triệu chứng dễ bị nhầm với những rối loạn tiêu hóa thông thường. Do vậy bác sĩ khuyên phụ nữ không nên chủ quan khi thấy một số triệu chứng như:
- Đầy bụng, no hoặc đầy hơi kéo dài.
- Khó chịu hoặc đau vùng chậu.
- Khó tiêu, buồn nôn hoặc đầy khí trong bụng.
- Những thay đổi khi đại và tiểu tiện, như táo bón hoặc thường xuyên đi tiểu.
- Chán ăn hoặc nhanh thấy no.
- Tăng chu vi bụng.
- Luôn thiếu năng lượng.
Nếu bị ung thư buồng trứng, các triệu chứng này có xu hướng kéo dài và xấu đi theo thời gian. Các dấu hiệu trên cũng có thể liên quan đến nhiều bệnh phụ khoa khác. Do vậy chị em nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị sớm. 
Hiện nay chưa có xét nghiệm sàng lọc nào thực sự hiệu quả trong việc phát hiện ung thư buồng trứng. Khám phụ khoa bao gồm kiểm tra buồng trứng cũng rất khó phát hiện các khối u nhỏ. Do vậy cách tốt nhất để phát hiện bệnh sớm là khám phụ khoa định kỳ và theo dõi những thay đổi bất thường của cơ thể.

10 dấu vết bất thường cảnh báo ung thư trên cơ thể bạn

10 dấu vết bất thường trên cơ thể chỉ điểm ung thư
Sự thay đổi đột ngột về màu sắc, hình dạng hoặc kích thước của mụn cơm hoặc nốt ruồi trên da là dấu hiệu phổ biến của ung thư. Ảnh minh họa: Health.
Bác sĩ Foo Kian Fong, Trung tâm Ung thư Parkway, Singapore, khuyên mọi người nên tầm soát ung thư định kỳ đồng thời chú ý đến những thay đổi bất thường trong cơ thể để phát hiện bệnh và điều trị sớm 
- Một vết loét lâu ngày không khỏi xuất hiện trên da, âm đạo, khoang miệng hoặc bất kỳ vị trí nào của cơ thể.
- Xuất huyết hoặc chảy dịch bất thường. Ví dụ, máu trong đờm hoặc phân, xuất huyết âm đạo bất thường hoặc chảy dịch từ núm vú.
- Một khối u dày lên ở vú, tinh hoàn, hạch bạch huyết hoặc mô mềm.
- Thay đổi thói quen đi vệ sinh hoặc chức năng bàng quang. Chẳng hạn như táo bón mạn tính, tiêu chảy, đau khi đi tiểu, đi tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn trong thời gian dài, có máu trong nước tiểu, thay đổi kích thước phân.
- Ho kéo dài hoặc khàn tiếng.
- Khó tiêu hoặc khó nuốt thức ăn.
- Bất thường ở mụn cơm hoặc nốt ruồi. Chẳng hạn, sự thay đổi đột ngột về màu sắc, hình dạng, kích thước của mụn cơm hoặc nốt ruồi trên da.
- Giảm cân nhiều mà không giải thích được, cụ thể là sút từ 5 kg trở lên dù bạn không ăn kiêng.
- Đau lưng hoặc đau, khó chịu ở xương lưng, xương hông.
- Sốt, mệt mỏi, suy kiệt.
Bác sĩ Foo khuyên mọi người khi bị một trong các triệu chứng trên nên đi khám chuyên khoa ngay. Những dấu hiệu này có thể chỉ điểm sự hiện diện của ung thư hoặc một căn bệnh nguy hiểm nào đó. Qua thăm khám, nếu nghi ngờ là ung thư, bác sĩ có thể cho bạn làm thêm một số xét nghiệm đặc hiệu và tư vấn cách điều trị phù hợp, tránh để bệnh diễn tiến nặng hơn. 

Mỗi ngày có 7 phụ nữ Việt tử vong vì ung thư cổ tử cung

Trung bình mỗi ngày Việt Nam có 14 người phát hiện bị ung thư cổ tử cung. 

Chia sẻ tại hội thảo 10 năm văcxin ngừa HPV sử dụng tại Việt Nam ngày 18/3, phó giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP HCM cho biết bệnh nhân ung thư cổ tử cung phải chịu nhiều hậu quả nặng nề như suy giảm sức khỏe, nguy cơ vô sinh, suy kiệt về tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và hạnh phúc gia đình.
Bác sĩ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) cho biết các nghiên cứu chỉ ra rằng đến 99,7% nguyên nhân gây ra bệnh ung thư cổ tử cung là do virus HPV. Trong đó hai chủng 16 và 18 là thủ phạm gây ra khoảng 70% trường hợp ung thư cổ tử cung. Khoảng 80% phụ nữ có nguy cơ nhiễm virus HPV ít nhất một lần trong đời, tỷ lệ nhiễm cao nhất xảy ra ở độ tuổi 20-30, có thể lên đến 20-25%. 
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mỗi năm trên thế giới hiện có trên 500.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung, trong đó có khoảng 250.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày có khoảng 14 ca mắc mới, trong đó khoảng 7 ca tử vong.
Ảnh: everydayhealth
Khoảng 80% phụ nữ có nguy cơ nhiễm virus HPV ít nhất một lần trong đời. Ảnh: everydayhealth
Phó giáo sư Cao Hữu Nghĩa, Trưởng Khoa Xét nghiệm Lâm sàng, Viện Pasteur TP HCM cho biết ung thư cổ tử cung gây tổn thương lớn đến tử cung. Bệnh diễn tiến âm thầm và kéo dài 5-20 năm. Triệu chứng thường khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác. 
Nhiều trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, bệnh nhân phải phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ tử cung, tước đi quyền làm mẹ của người phụ nữ. Bệnh gây tử vong khi ở giai đoạn cuối. Hiện bệnh chưa có thuốc đặc trị, cách phòng ngừa bệnh đơn giản và hiệu quả nhất là tiêm văcxin ngừa virus HPV.
Tại Việt Nam văcxin ngừa virus HPV đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng vào năm 2008. Đến nay đã có hơn một triệu liều văcxin được sử dụng trong 10 năm qua. Thống kê của WHO, 270 triệu liều văcxin ngừa virus HPV đã được sử dụng trên 120 nước. 
Văcxin ngừa virus HPV được khuyến cáo tiêm cho phụ nữ độ tuổi 9-26, tốt nhất là 11 đến 12 tuổi, bất kể đã có quan hệ tình dục hay chưa. Văcxin đạt hiệu quả cao nhất khi tiêm ngừa trước lần quan hệ tình dục đầu tiên. Liều tiêm được chỉ định ba liều, hiệu quả gần 100% trong phòng ngừa các tổn thương tiền ung thư và ung thư cổ tử cung gây ra bởi hai chủng HPV 16, 18 cũng như các mụn cóc sinh dục, ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn...

Thủ phạm gây ung thư cổ tử cung bạn cần biết để tránh

99,7% trường hợp ung thư cổ tử cung có sự hiện diện của virus HPV - tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường tình dục. 

Human Papilloma Virus (HPV) thuộc nhóm Papova (papillome polyform vacuolization), có hình cầu, đường kính 55 nm, bên trong chứa chuỗi DNA. HPV có hơn 100 tuýp, đa số không gây bệnh, chỉ có khoảng 30 tuýp gây các bệnh ở biểu mô da và màng nhầy.
Tùy khả năng gây ung thư hay không mà các tuýp HPV được chia làm hai nhóm. Một là HPV nguy cơ thấp gây ra mụn cóc ở bàn tay bàn chân, mồng gà ở vùng hậu môn - sinh dục, u nhú đường hô hấp hay tăng sản biểu mô khoang miệng (thường gặp là HPV tuýp 6, 11). Hai là HPV nguy cơ cao hiện có khoảng 15 tuýp gây ung thư, đặc biệt là HPV 16, 18 là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư cổ tử cung (99,7% trường hợp). 
HPV chủ yếu lây truyền qua đường tình dục. Nhiễm HPV là một trong những bệnh lý lây truyền qua đường tình dục phổ biến và dễ dàng nhất. Nguy cơ nhiễm HPV cao nhất khi có tiếp xúc tình dục sớm. Vị trí HPV xâm nhập và khu trú đầu tiên là vùng thượng bì chủ yếu ở lớp biểu mô da và niêm mạc, nhất là những vùng niêm mạc ẩm ướt nhầy.
Tỷ lệ lây truyền HPV giữa nam và nữ qua giao hợp thay đổi từ 5% đến 100%, trung bình khoảng 40%. Tuy nhiên HPV rất đề kháng với nhiệt và khi bị làm khô. Do đó, HPV còn có những đường lây truyền không qua tình dục như qua các đồ vật dụng cụ cắt móng tay móng chân, kềm bấm sinh thiết, đồ lót… Vì vậy bao cao su không thể bảo vệ bạn 100% vì còn tiếp xúc da ở vùng âm hộ, hậu môn. Đặc biệt HPV có thể lây truyền dọc từ mẹ sang con trong lúc sinh gây đa bướu đường hô hấp.
Các tuýp virus HPV thường gặp.
Các tuýp virus HPV thường gặp.
Phát hiện nhiễm HPV như thế nào
Nhiễm HPV nguy cơ thấp dẫn đến các tổn thương mụn cóc ở bàn tay, bàn chân, mồng gà vùng hậu môn-sinh dục. Hơn 75% bạn tình bị mồng gà khi tiếp xúc tình dục với nguồn bệnh. Mồng gà có thể gây ngứa, bỏng rát, chảy máu, đau. Nhiễm HPV nguy cơ cao thường không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng, chỉ phát hiện được nhờ vào xét nghiệm tìm HPV.
Khoảng 700 triệu người trên thế giới bị nhiễm HPV, tần suất mắc bệnh thay đổi theo từng quốc gia và theo nhóm tuổi. Độ tuổi có quan hệ tình dục khả năng mắc bệnh cao nhất.
Tỷ lệ nhiễm HPV cũng có liên quan đến tỷ lệ ung thư cổ tử cung. Một nghiên cứu trên 1.050 phụ nữ bị ung thư cổ tử cung ở 22 quốc gia cho thấy gần 90% do nhiễm HPV tuýp 16, 18. Hầu hết bệnh nhân nhiễm HPV thường không có triệu chứng, do đó bệnh dễ lây truyền khi quan hệ tình dục mà không được biết.
Bình thường, HPV sẽ tự khỏi trong vòng 1-2 năm nhờ khả năng miễn dịch của cơ thể. Nhưng có một số trường hợp đặc biệt:
1. HPV tuýp 16, 18 gây tân sinh biểu mô cổ tử cung (cervical intraepithelial neoplasia, CIN), đồng nghĩa với loạn sản cổ tử cung hay ung thư. Phát hiện virus khi làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (Pap smear) để tìm các tế bào bất thường. Có nhiều mức độ:
- Mức độ nhẹ (CIN 1): Có thể tự khỏi trong vài tháng hay đốt điện. Đôi khi có thể phát triển thành ung thư cổ tử cung tại chỗ trong 6 năm.
- Mức độ trung bình (CIN 2): Có thể phát triển thành ung thư cổ tử cung trong vòng 3 năm.
- Mức độ nặng ( CIN 3): Có thể phát triển thành ung thư cổ tử cung trong vòng một năm.
2. HPV tuýp 6, 11: Khoảng 90% gây sùi mồng gà ở âm hộ, âm đạo, cổ tử cung. Một số ít trường hợp lây nhiễm từ mẹ sang con khi sinh qua ngã âm đạo, gây nhú đường hô hấp (bé khó thở) hay u nhú thanh quản (bé khóc khàn giọng).
3. Ung thư cổ tử cung: Rất thường gặp và gây tử vong cao, ước tính khoảng 1,4 triệu trường hợp trên toàn cầu trong đó 80% xảy ra ở các nước đang phát triển. Theo điều tra của Bệnh viện Ung bướu TP HCM, ung thư cổ tử cung đứng hàng thứ hai trong 10 loại ung thư thường gặp ở phụ nữ, chỉ đứng sau ung thư vú.
Hiện nay trên thế giới đã có văcxin ngừa HPV, gồm 4 loại. Loại tứ giá phòng ngừa 4 tuýp là 6, 11, 16, 18. Loại nhị giá phòng ngừa 2 tuýp 16, 18. Loại đơn giá phòng ngừa tuýp 16 và loại đơn giá phòng ngừa tuýp 18. Hiện văcxin dịch vụ có Gardasil (Mỹ) và Cervarix (Bỉ). Gardasil là văcxin tái tổ hợp các tuýp 6, 11 và 18, phòng virus HPV ở người, dùng cho phụ nữ và bé gái từ 9 đến 26 tuổi để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo… Còn văcxin Cervarix được chỉ định dùng cho nữ 10-25 tuổi để tạo miễn dịch chủ động phòng tránh bệnh ung thư cổ tử cung (ung thư biểu mô vảy và ung thư biểu mô tuyến cổ tử cung).

Bạn có thể bị ung thư đại tràng khi sụt cân, đi ngoài ra máu

Trong một tháng giảm 2 kg, đại tiện ra máu, ông Văn 65 tuổi (Hà Nội) đi khám thì phát hiện có khối u ở đại tràng.

Khối u có kích thước 32x33 mm được bác sĩ xác định là thủ phạm khiến ông Văn giảm cân đột ngột lại đi ngoài ra máu. Sau nhiều lần sinh thiết, ông Văn được chẩn đoán bị ung thư đại tràng giai đoạn hai, chỉ định nội soi cắt nửa đại tràng trái. Trước đó bệnh nhân không có biểu hiện nào bất thường, tiền sử gia đình không có người bị ung thư.
So với các loại ung thư đường tiêu hóa khác, tỷ lệ chữa khỏi ung thư đại trực tràng cao hơn. 40-60% bệnh nhân sống trên 5 năm. Bệnh phát hiện ở giai đoạn càng sớm thì khả năng sống càng cao. Tuy nhiên do dấu hiệu của bệnh không đặc trưng nên thường bị bỏ qua, đặc biệt ở giai đoạn sớm.
Theo tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, ung thư đại tràng là một trong những bệnh ung thư thường gặp, đứng thứ ba ở nam và thứ hai ở nữ. Trên thế giới mỗi năm có khoảng 1,36 triệu ca mắc mới, trong đó có gần 700.000 bệnh nhân tử vong.
Tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng đứng thứ tư trong số 10 bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới với số mắc mỗi năm khoảng 8.000 ca, dự kiến đến năm 2020 sẽ hơn 13.000 người. Ở nữ, loại ung thư này đứng thứ hai với khoảng hơn 6.000 ca mỗi năm, dự kiến đến năm 2020 tăng lên hơn 11.000 bệnh nhân.
Điều trị ung thư đại trực tràng là điều trị đa mô thức gồm phẫu thuật, hóa chất, tia xạ. Trong đó, phẫu thuật đóng vai trò quan trọng nhất (mổ mở và mổ nội soi).
Bạn nên nghĩ đến ung thư đại trực tràng khi có dấu hiệu bị: rối loạn tiêu hóa, đi ngoài ra máu; đau bụng dai dẳng, đầy hơi, buồn nôn; giảm cân nhanh và mệt mỏi không rõ nguyên nhân.
Để phòng bệnh người dân nên:
- Không dùng quá nhiều thịt (đặc biệt thịt đỏ), chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật.
- Bổ sung chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau xanh.
- Chế độ nghỉ ngơi hợp lý, vận động thường xuyên.
- Khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư đại trực tràng.

Cô bé 'cảm nhận' dấu hiệu ung thư trong cơ thể em gái song sinh

Từ ngày ra đời, Megan và Sophie Walker đã giống nhau về tất cả mọi thứ, từ ngoại hình đến tính cách. Sợi dây giữa hai chị em song sinh mạnh mẽ đến mức Megan "cảm nhận" được căn bệnh ung thư trong cơ thể Sophie, thậm chí biểu hiện triệu chứng trước khi em gái phát bệnh.
Megan (trái) và Sophie Walker. Ảnh: PP.
Megan (trái) và Sophie Walker. Ảnh: PP.
Kể lại với Mirror, Rebecca, mẹ Megan và Sophie cho biết tháng 10/2017, Megan đột nhiên sút cân một cách khó hiểu. Cô bé 11 tuổi nhợt nhạt, liên tục bị buồn nôn, kiệt sức, kết quả chụp X-quang, siêu âm, chụp MRI không phát hiện ra bệnh. Trong khi đó Sophie vẫn khỏe mạnh bình thường.
Một tối Sophie nôn mửa nghiêm trọng. Vợ chồng nhà Walker đưa con nhập viện rồi bàng hoàng nghe tin chính Sophie mới là người mắc bệnh dù không xuất hiện triệu chứng nào. Kết quả xét nghiệm chỉ ra bé gái bị một khối u wilms hay còn gọi là u nguyên bào thận, dạng ung thư hệ tiết niệu phổ biến nhất ở trẻ em. Thông thường, u wilms dẫn đến mệt mỏi, sốt, đau dạ dày, sụt cân, chán ăn; tương tự những gì Megan trải qua.
Đội ngũ y tế nhận định nguyên nhân Megan phát triệu chứng dù Sophie bị bệnh nhiều khả năng do mối liên hệ giữa hai chị em song sinh. "Họ cho rằng cơ thể Megan đã cố cảnh báo chúng tôi rằng Sophie không ổn", Rebecca nói.
Sau chẩn đoán, Sophie được phẫu thuật cắt bỏ khối u và thận trái. Bé bước vào quá trình hóa trị, dự kiến kéo dài tới tháng 6. Do vào hóa chất, Sophie mất đi mái tóc dài và toàn bộ lông mi, lông mày. Chứng kiến sự thay đổi của em gái, Megan đau lòng đến mức phải điều trị tâm lý. Cặp song sinh cùng sụt cân từ 40 kg xuống 35 kg. Megan còn xin gia đình được cắt tóc để trông giống em hơn, song Rebecca không đồng ý. "Megan cho tôi hy vọng rằng Sophie sẽ khỏe mạnh trở lại", bà mẹ bộc bạch. 
Trên thực tế, 85% trẻ bị u wilms sẽ hồi phục nếu được điều trị sớm. Đối với Sophie, các bác sĩ tỏ ra khá lạc quan và kỳ vọng cô bé sớm quay về cuộc sống bình thường. 

20 năm sau khi khỏi bệnh ung thư, cô gái trở thành bác sĩ nhi

11 tuổi, Pratt được chẩn đoán mắc căn bệnh xương osteosarcoma, một dạng ung thư. Thời gian điều trị tại Bệnh viện Nhi Minnesota, Pratt cảm nhận được tình yêu mà các bác sĩ, y tá dành cho cô. Pratt quyết tâm sau này sẽ trở thành một bác sĩ.
Hai mươi năm sau, giấc mơ đã trở thành sự thật khi cô mặc áo blouse trắng bước vào bệnh viện nơi cô đã điều trị căn bệnh ung thư trước kia. "Ung thư đã làm cho trẻ con mạnh mẽ hơn", Pratt nói với CNN.
Pratt chống nạng sau ca phẫu thuật. Ảnh: J.P
Pratt chống nạng sau ca phẫu thuật. Ảnh: J.P
Dấu hiệu bệnh của Pratt bắt đầu khi cô cảm thấy một cơn đau bất thường ở chân, kết quả chụp X-quang tại Bệnh viện Nhi Minnesota phát hiện một khối u. Ngày đó, hai phương pháp điều trị phổ biến nhất là phẫu thuật và hóa trị. Trong một số trường hợp, xạ trị được sử dụng. Pratt đã có nhiều buổi trị liệu kéo dài hơn một năm và cuối cùng phẫu thuật tại viện Mayo ở Rochester, Minnesota. Sau đó, cô phải dùng nạng để đi lại trong vòng 9 tháng.
Pratt nói, hóa trị liệu chữa ung thư thường rất căng thẳng. Cô phải vào hóa chất trước và sau phẫu thuật. Với nghị lực kiên cường, Pratt đã khỏi ung thư xương và bác sĩ dự đoán bệnh sẽ không tái phát trong 20 năm sau.
Trưởng thành, Pratt đã tốt nghiệp trường y của Đại học Midwestern và quay trở lại bệnh viện nhi nơi cô đã điều trị để làm bác sĩ nội trú. "Tôi luôn muốn làm việc tại bệnh viện này", Pratt nói, bởi vì nơi đây chất chứa những ký ức tuổi thơ của cô. Đặc biệt, cô hạnh phúc khi được tiếp xúc với bệnh nhi mỗi ngày, nhẹ nhõm khi thấy nụ cười của các bé khi được xuất viện về nhà.
"Đó là một trải nghiệm độc đáo, khi bạn mắc ung thư ở độ tuổi còn trẻ. Tôi đã vượt qua nó và trở thành bác sĩ để đồng hành cùng bệnh nhi", Pratt nói với CNN.

Bệnh viện Chợ Rẫy triển khai hệ thống xạ trị đa năng lượng chữa ung thư

Hệ thống gia tốc xạ trị - xạ phẫu đa năng lượng khánh thành ngày 4/4 giúp người bệnh ung thư chữa trị tốt hơn, giảm tác dụng phụ.

Phó giáo sư Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết hệ thống mới giúp triển khai nhiều kỹ thuật xạ phẫu, xạ trị chưa từng được ứng dụng tại Việt Nam. Người bệnh ung thư được chữa trị với những kỹ thuật xạ trị hàng đầu trên thế giới, giảm tác dụng phụ thường có, giảm thời gian chờ đợi, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bệnh nhân được xạ trị bằng hệ thống máy mới tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: C.R
Bệnh nhân được xạ trị bằng hệ thống máy mới tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: C.R
Theo phó giáo sư Sơn, để vận hành hệ thống mới, từ năm ngoái bệnh viện đã cử 14 người sang đào tạo tại Australia và châu Âu. Tất cả kỹ thuật xạ trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy đều được chi trả bảo hiểm y tế nên bệnh nhân tiết kiệm được nhiều chi phí. 
Hệ thống gia tốc xạ trị - xạ phẫu đa năng lượng giúp bệnh nhân giảm tác dụng phụ. Ảnh: C.R
Hệ thống gia tốc xạ trị - xạ phẫu đa năng lượng giúp bệnh nhân giảm tác dụng phụ. Ảnh: C.R
Số bệnh nhân ung thư tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng. Hiện  mỗi năm có khoảng 150.000 ca mắc mới, 75.000 bệnh nhân tử vong do ung thư. Ước tính đến năm 2020 có gần 200.000 ca ung thư mới. Riêng TP HCM, mỗi năm có thêm 5.000-6.000 bệnh nhân ung thư mới.

Bác sĩ dùng chất nhuộm màu 'vẽ bản đồ' khối u ung thư để mổ cắt

Trong khi mổ, bệnh nhân được bác sĩ Bệnh viện Bình Dân dùng chất nhuộm màu để quan sát rõ ranh giới khối u và mô lành ở dạ dày.

Cách đây vài tháng, nam bệnh nhân 47 tuổi quê Bình Phước bị đầy hơi nhẹ, đau âm ỉ và khó chịu vùng thượng vị, nghĩ là đau dạ dày nên tự mua thuốc uống. Tình trạng đau không thuyên giảm, anh đến Bệnh viện Bình Dân khám, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị ung thư dạ dày xâm lấn niêm mạc và nghi ngờ di căn một số hạch lân cận.
Tiến sĩ Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân cho biết bệnh nhân may mắn phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, khối bướu còn nhỏ, chưa xâm lấn đến các lớp sâu hơn của thành dạ dày. Tuy nhiên ung thư dạ dày có thể di căn xa đến các bộ phận khác trong cơ thể, thường gặp nhất là gan, phổi, phúc mạc. Dù ở giai đoạn sớm, ung thư dạ dày vẫn có khả năng di căn hạch, cần phải loại bỏ cả khối u tại chỗ lẫn các hạch nghi ngờ có sự xâm lấn của tế bào ác tính.
Bác sĩ phẫu thuật cắt khối u dạ dày với chất nhuộm màu. Ảnh: T.N
Bác sĩ phẫu thuật cắt khối u dạ dày với chất nhuộm màu. Ảnh: B.D
Bác sĩ Nguyễn Phú Hữu, Khoa Ngoại Tiêu hóa cho biết bệnh nhân được phẫu thuật với kỹ thuật dùng chất nhuộm màu indocyanine green (ICG). Kỹ thuật này giúp các bác sĩ quan sát rõ ranh giới khối ung thư và mô lành, xác định các hạch di căn. Nhờ đó khối bướu kích thước 15 mm kèm theo 4 hạch lân cận và một số hạch nhỏ nghi ngờ có tế bào ác tính, nhanh chóng được các bác sĩ cắt lọc và nạo bỏ triệt để. 
Ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ. Bệnh nhân hiện hồi phục tốt, hai ngày sau mổ đã đi lại và bắt đầu ăn uống theo hướng dẫn. Bệnh nhân sẽ tiếp tục được hóa trị để loại bỏ triệt để các tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể. 
Phẫu thuật ung thư dạ dày có dùng chất nhuộm màu ICG đòi hỏi bác sĩ mổ có kinh nghiệm và được đào tạo. Chất nhuộm màu được tiêm vào dạ dày qua nội soi giúp định vị ranh giới khối bướu. Dưới ánh sáng huỳnh quang, hệ thống hạch bạch huyết quanh dạ dày sẽ hiện lên như một "bản đồ" rõ ràng giúp bác sĩ phẫu thuật nạo vét triệt để các hạch di căn và bảo tồn tối đa mô lành còn lại.
Ngoài ứng dụng trong phẫu thuật ung thư dạ dày, chất nhuộm màu ICG còn được ứng dụng trong chẩn đoán và phẫu thuật gan mật, hô hấp, tim mạch, ung thư vú.
Tại Việt Nam, ung thư dạ dày đứng thứ hai trong các loại ung thư nhiều người mắc. Nhiều người phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, mất cơ hội được điều trị triệt để. 

8 điều có thể giúp bạn tránh bị ung thư

Duy trì cân năng ở mức lý tưởng, giảm ăn thịt đỏ, dùng kem chống nắng... giúp bạn phòng tránh ung thư.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 30% bệnh ung thư có thể dự phòng được bằng cách thay đổi lối sống, theo Webmd. Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn tránh xa ung thư:
Giảm cân
Thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như ung thư thực quản, tuyến tụy, đại tràng, thận và tuyến giáp.
Các chuyên gia ước tính, nếu mỗi người trưởng thành tại Mỹ giảm 1% chỉ số khối cơ thể thì có thể giảm đến 100.000 ca mắc ung thư mới tại nước này.
Ăn ít thịt đỏ
Ăn nhiều thịt đỏ và các loại thịt chế biến sẵn như thịt xông khói, xúc xích... làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày, đại tràng. Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ khuyến cáo bạn không nên ăn quá 500 g các thực phẩm này mỗi tuần.
Bôi kem chống nắng
Tia cực tím có thể gây ung thư da. Vì thế, bạn hãy chú ý bôi kem chống nắng khi ra đường, nên chọn loại loại SPF từ 30 trở lên.
Các thực phẩm giúp ngừa ung thư. Ảnh: H.C.
Các thực phẩm giúp ngừa ung thư. Ảnh: H.C.
Ăn nhiều rau quả hơn
Các loại rau, quả giúp ngăn ngừa một số loại ung thư như ung thư họng, miệng, thực quản... Bạn nên ăn ít nhất 500 g rau, quả mỗi ngày.
Giảm đường
Thực phẩm và những đồ uống nhiều đường cung cấp rất nhiều năng lượng. Nếu thường xuyên tiêu thụ chúng có thể khiến bạn lên cân, vì thế có thể tăng nguy cơ mắc ung thư. Bạn không cần phải kiêng đường hoàn toàn nhưng hãy ăn ít.
Tăng cường thể dục
Những người lười vận động dễ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, ruột hoặc tử cung. Khi bạn tích cực vận động, cơ thể tiêu hóa thức ăn nhanh hơn, ngăn ngừa tích tụ một số loại hormone có thể dẫn đến ung thư.
Vận động cũng giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch hoặc đái tháo đường.
Bỏ thuốc
Người hút thuốc lá có tỷ lệ ung thư miệng cao gấp 27 lần, ung thư thanh quản gấp 12 lần so với người bình thường. Ngoài ung thư phổi, nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư tuyến tụy, tử cung, cổ tử cung, thận, bàng quang, ruột, tai biến mạch máu não và trực tràng, có nguyên nhân liên quan thuốc lá.
Cả người hút thuốc trực tiếp và hút thuốc lá thụ động đều có nguy cơ mắc ung thư phổi. Vì thế, nếu đang hút thuốc thì bạn nên từ bỏ.
Hạn chế uống rượu, bia
Với các bệnh ung thư miệng, họng, thanh quản, thực quản, người uống khoảng 1,5 đơn vị rượu một ngày có nguy cơ tăng khoảng 5 lần đối so với những người không bao giờ uống hoặc chỉ thỉnh thoảng uống. Thậm chí, người chỉ uống không quá một ly mỗi ngày cũng có nguy cơ cao hơn 20% so với người không uống rượu.
Vì thế, để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư và các bệnh liên quan khác, bạn tốt nhất không nên uống rượu bia hoặc nếu có uống thì nên giới hạn mức độ.

Nam giới dưới 35 tuổi nguy cơ cao bị ung thư tinh hoàn

Bướu tinh hoàn ít gặp song đa phần ác tính và thường xuất hiện ở nam giới độ tuổi 15-35.

Bác sĩ Lê Vũ Tân, Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân cho biết ung thư tinh hoàn chiếm 1% các khối u ác tính và khoảng 5% trong ung thư đường niệu sinh dục ở nam giới. Nghiên cứu vừa được công bố tại Bệnh viện Bình Dân ghi nhận từ tháng 1/2016 đến tháng 10/2017, có 126 bệnh nhân khám bướu tinh hoàn, tuổi trung bình 30,6. 
Có 14 trường hợp đến viện khám vì bìu trống, có hoặc không kèm theo khối u ở bụng, kết quả giải phẫu bệnh là ung thư tinh hoàn ẩn. 112 người còn lại đến bệnh viện vì sờ thấy khối to, không đau bên trong bìu. Đa phần người bị ung thư tinh hoàn đến bệnh viện ở giai đoạn sớm, với 86 người chẩn đoán ở giai đoạn một, có 24 người giai đoạn hai và 16 trường hợp giai đoạn ba.
Các nghiên cứu ghi nhận nam giới tinh hoàn ẩn có nguy cơ ung thư gấp 4 đến 6 lần so với bình thường. Nguy cơ ung thư giảm 2-3 lần nếu được phẫu thuật hạ tinh hoàn xuống bìu trước khi dậy thì.
Đây là bệnh ung thư có khả năng chữa khỏi rất cao, đặc biệt là ở giai đoạn sớm. Bệnh thường biểu hiện với các triệu chứng tăng kích thước của bìu, nặng bìu, sờ thấy khối u tinh hoàn không đau, nổi hạch bất thường vùng bẹn, hạch cổ, đau bụng đối với những trường hợp có tinh hoàn ẩn...
Để phát hiện sớm bệnh, nam giới có thể tự khám tinh hoàn:
- Đứng trước gương xem có sưng ở vùng tinh hoàn không.
- Kiểm tra tinh hoàn bằng hai tay, ngón giữa ở dưới và ngón cái ở trên.
- Nắn nhẹ nhàng hai bên tinh hoàn, đừng quá lo lắng nếu thấy tinh hoàn hai bên không đều nhau vì đó là bình thường.
- Kiểm tra mào tinh hoàn, đây là một ống mềm nằm phía sau tinh hoàn có nhiệm vụ chứa tinh trùng.
- Vị trí phổ biến nhất của u tinh hoàn là phía hai bên, cũng có thể ở phía trước.
- Có thể kiểm tra bất cứ lúc nào cảm thấy thuận lợi, đơn giản nhất là kiểm tra sau mỗi lần tắm.
Nếu phát hiện điều gì bất thường thì nên đến bệnh viện chuyên khoa khám phát hiện sớm ung thư, tránh để bệnh quá muộn. 

8 người trong một nhà cùng bị ung thư đại tràng

Một gia đình ở Hải Dương có mẹ và 7 người con cùng bị ung thư đại tràng, trong đó hai người đã qua đời.

Bị đau bụng, đi ngoài ra máu nhiều lần, ông Phạm Duy Vinh 51 tuổi ở Ninh Giang, Hải Dương đến Bệnh viện K Trung ương cơ sở Tân Triều (Hà Nội) khám. Bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư đại tràng góc lách, cần phẫu thuật.
Căn bệnh ung thư đại tràng nhiều năm qua đã trở thành nỗi ám ảnh của cả gia đình ông. Năm ngoái, mẹ ông đã qua đời ở tuổi 74 vì căn bệnh ung thư này. Nhà có 9 anh chị em, 4 con trai và 5 con gái thì tới nay tính cả ông Vinh đã có tới 7 người mắc ung thư đại tràng. Trong đó, người anh cả đã mất từ lâu, 5 người còn lại đang điều trị, tái khám tại Bệnh viện K.
Ông Vinh còn 5 người anh chị em khác cũng bị ung thư đại tràng. Ảnh: H.T. 
Ông Vinh bị ung thư đại tràng. Ảnh: H.T. 
Không muốn thành gánh nặng cho gia đình, dù biết bệnh từ cuối năm ngoái nhưng đến ngày 14/3 ông Vinh mới vào viện điều trị. Các bác sĩ dự định mổ nội soi, tuy nhiên do vị trí khối u khó nhận biết nên phải mổ mở để loại bỏ khối u kích thước 1x2 cm. Một ngày sau ca mổ, sức khỏe ông chuyển biến tích cực hơn nên được chuyển về khoa Ngoại bụng 2 tiếp tục điều trị. Ông sẽ được truyền hóa chất, xạ trị,
Theo bác sĩ, ông Vinh mắc ung thư đại tràng có tính chất gia đình. Ung thư là bệnh do tổn thương gene - vật liệu mang tính di truyền của tế bào gây ra. Có rất nhiều nguyên nhân gây tổn thương gene, hơn 80% là do các yếu tố bên ngoài môi trường tác động vào cơ thể. Những tổn thương gene này không di truyền.
Phần lớn người mắc ung thư không liên quan đến di truyền và không để lại bệnh cho các thế hệ sau. Theo giáo sư Nguyễn Bác Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), chỉ một số ít bệnh ung thư liên quan đến gene di truyền, yếu tố gia đình, trong đó có ung thư đại tràng. Nếu một người có họ hàng ruột thịt gần gũi (bố mẹ, anh chị em) bị loại ung thư này thì khả năng mắc bệnh của họ có thể tăng lên.
Ước tính 5-10% bệnh nhân ung thư đại trực tràng có các đột biến gene di truyền, phổ biến nhất là các trường hợp bị đa polyp gia đình (FAP) và hội chứng Lynch (ung thư đại tràng không đa polyp di truyền- HNPCC). Các bệnh nhân này thường bị bệnh khi tuổi còn trẻ. Như trường hợp gia đình ông Vinh là bị đa polyp gia đình.
Những người có nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng như tiền sử bản thân hoặc gia đình bị u tuyến, các hội chứng đa polyp hoặc ung thư đại trực tràng; các bệnh viêm ruột... nên làm xét nghiệm tìm máu trong phân, nội soi toàn bộ đại trực tràng... ở độ tuổi sớm hơn để sàng lọc bệnh. Tất cả loại đa polyp đại trực tràng nếu không được can thiệp thì sẽ có khoảng 50% chuyển thành ung thư (từ khi sinh ra đến khi 40 tuổi). Nếu sống đến 70 tuổi, hầu hết trở thành ung thư.
Điều trị ung thư đại trực tràng là điều trị đa mô thức gồm phẫu thuật, hóa chất, tia xạ. Trong đó, phẫu thuật đóng vai trò quan trọng nhất, với hai phương pháp chính là mổ mở truyền thống và phẫu thuật nội soi.
Để phòng ngừa ung thư đại trực tràng, người dân cần:
- Tăng cường vận động thể chất.
- Hạn chế ăn mỡ, thịt động vật; giảm kcal, chất béo từ 40% xuống 20-25%.
- Tăng cường ăn các chất xơ và hoa quả tươi hằng ngày.
- Hạn chế thức ăn muối, lên men, cá khô, nước tương, thịt xông khói.
- Tránh để những chất gây đột biến gene nhiễm trong thức ăn như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc tăng trọng.
- Hạn chế lạm dụng rượu, bia và các chất lên men khác.

Cái chết của cô gái ung thư cảnh báo bà bầu phải tầm soát bệnh

Cắn răng từ bỏ thai nhi trong bụng để chữa bệnh, Charlotte Smith (Anh) vẫn không chiến thắng ung thư sau hơn một năm chiến đấu. 

Đôi khi, dù đã trả cái giá rất đắt, con người vẫn không thoát khỏi cái chết do ung thư, như Charlotte Smith.
Theo RSVP, Charlotte phát hiện mang thai vào năm 2016. Có con không phải là điều thiếu nữ mới 21 tuổi dự tính song cô vẫn rất hạnh phúc và mong chờ. "Thế nhưng, chỉ vài tuần sau, tôi bắt đầu đổ bệnh", Charlotte chia sẻ hồi tháng 8/2017.
Charlotte trước khi mắc bệnh ung thư. Ảnh: Facebook.
Charlotte trước khi mắc bệnh ung thư. Ảnh được cô chia sẻ trên trang cá nhân. 
Thoạt tiên, Charlotte bị đau lưng, đuối sức, nôn ọe. Tháng 12/2016, thai được hơn 10 tuần, bà bầu tiến hành xét nghiệm máu và được yêu cầu ở lại bệnh viện qua đêm do kết quả bất thường. 24 giờ trôi qua, bác sĩ thông báo Charlotte mắc bệnh bạch cầu nguyên bào cấp tính, một dạng ung thư máu. 
Biết rằng không thể vừa điều trị vừa giữ thai, Charlotte lâm vào tình thế khó khăn. Cô lo cho đứa bé trong bụng nhưng cũng muốn sống. Càng trì hoãn, nguy cơ tử vong càng lớn nên cuối cùng, Charlotte chấp nhận hủy thai kỳ với điều kiện được ngắm con lần cuối. Ngày hôm sau, bác sĩ siêu âm cho Charlotte. Cô không kìm được cảm xúc khi thấy em bé hoàn toàn khỏe mạnh. 
Hình siêu âm cho Charlotte ngắm con lần cuối trước khi chấm dứt thai kỳ. Ảnh: Facebook.
Hình siêu âm cho Charlotte ngắm con lần cuối trước khi chấm dứt thai kỳ. Ảnh: Facebook.
Chấm dứt thai kỳ, Charlotte bắt đầu quá trình điều trị song không đáp ứng tốt với đợt hóa trị đầu tiên. Đến đợt hóa trị thứ hai, cô yếu đến mức phải nằm lại khoa chăm sóc đặc biệt. Nhờ anh trai hiến tủy, Charlotte được ghép tủy thành công và dần khá hơn.
Những tưởng Charlotte đã thoát khỏi ung thư thì đầu năm 2018, sức khỏe cô đột ngột chuyển biến xấu. Ngày 9/4, bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng trước sự ngỡ ngàng của người thân. Thông tin được bạn thân của Charlotte là Jordanna xác nhận. "Không bao giờ tôi nghĩ mình sẽ phải viết ra những điều này", Jordanna viết trên trang cá nhân. "Thật đáng buồn, Charlotte đã ra đi vì bị nhiễm trùng".
Suốt quá trình điều trị ung thư, Charlotte liên tục kêu gọi phụ nữ đi xét nghiệm máu lúc mới mang bầu đồng thời chia sẻ câu chuyện bản thân với mong muốn cảnh báo chị em về nguy cơ sức khỏe. "Tôi muốn ngăn những bi kịch tương tự", cô thổ lộ.
Sau thông báo từ Jordanna, hàng trăm tài khoản mạng xã hội đã gửi lời chia buồn đến gia đình Charlotte. 

Cải thiện an ninh thực phẩm hộ gia đình phụ nữ nông thôn nghèo

Viện Dinh dưỡng (NIN) nghiên cứu cùng với các nhà khoa học của Đại học Ryers Canada với sự tài trợ của Tổ chức Nghiên Cứu Phát Triển Canada...