Thứ Hai, 23 tháng 12, 2019

Phát hiện biến thể gene gây vô sinh ở nam giới

Tái cấu trúc gene khiến các gene SYCP2 hoạt động tích cực hơn bình thường, ảnh hưởng khả năng sản xuất tinh trùng. 
Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Bệnh viện Phụ nữ và Brigham, mới đăng trên tạp chí American Journal of Human Genetics.
Năm 1991, nhóm nghiên cứu đánh giá các nhiễm sắc thể (NST) của một bệnh nhân nam 28 tuổi có lượng tinh trùng rất thấp, không thể thụ thai trong hai năm. Họ phát hiện các NST của người đàn ông này đã bị sắp xếp lại, một số phần của NST bị thiếu, nhân đôi hoặc di chuyển xung quanh, khiến gene SYCP2 hoạt động tích cực gấp 20 lần bình thường. Loại biến thể gene này cũng được tìm thấy trong cơ thể 4 người đàn ông có vấn đề sức khỏe sinh sản khác. 
Hợp tác cùng các nhà khoa học Đại học Munster, nhóm phát hiện sự gián đoạn của gene SYCP2 phổ biến hơn trong cơ thể những người đàn ông gặp vấn đề sinh sản.  
Dựa trên bất thường này, nhóm sử dụng tế bào và men trong phòng thí nghiệm, mô hình hóa lại sự tái sắp xếp của men, phát hiện cấu trúc mới này liên quan tới việc tạo các tinh trùng khuyết tật ở động vật có vú. 
"Sự sắp xếp lại NST làm rối loạn biểu hiện các gene quyết định quá trình tạo giao tử, hoặc tạo tình trùng, có thể dẫn tới vô sinh", Cynthia Morton, nhà di truyền học tại Bệnh viện Phụ nữ Bringham, đồng tác giả nghiên cứu nói. 
Biến thể gene SYCP2 được cho là nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới. Ảnh: New Scientist
Biến thể gene SYCP2 được cho là nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới. Ảnh: New Scientist
Để xác định rõ vài trò của SYCP2 trong vô sinh ở nam giới, nhóm cho hay cần nghiên cứu sâu hơn ở những đàn ông có biến thể gene SYCP2. Nhóm dự định thử tiến hành nghiệm lâm sàng, đưa gene SYCP2 vào sàng lọc di truyền cho nam giới để xác định cơ sở di truyền của vô sinh trong tương lai. 
"Hiện chúng ta đã có các công cụ tốt hơn để khám phá và có thể bắt đầu con đường tiến tới trị liệu", Cynthia nói. 
Phát hiện này giúp các nhà nghiên cứu giải thích nguyên nhân cho khoảng 50% ca vô sinh không rõ nguyên nhân từng được cho là do di truyền trước đây. 
Vô sinh là một trong những vấn đề phổ biến nhất ở độ tuổi 20-45, ảnh hưởng 10-15% các cặp vợ chồng. Bằng chứng cho thấy các bác sĩ không thể chẩn đoán nguồn gốc của vấn đề ở khoảng 40-72% nam giới. Trong số đó, khoảng 30-50% các trường hợp được cho là do di truyền.

Nữ cảnh sát hiến gan cho cậu bé chưa từng gặp

Sĩ quan Carolyn Becker hiến tặng thùy gan trái của mình và gây quỹ chi trả phí phẫu thuật ghép tạng cho Clyde Hofman 11 tuổi. 
Clyde Hoffman mắc hội chứng Alagille, một rối loạn di truyền hiếm gặp có thể ảnh hưởng đến gan, tim và thận. Tùy mức độ nghiêm trọng, người bệnh có các triệu chứng khác nhau. Một số người biểu hiện nhẹ, hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe. Có những người gặp vấn đề nghiêm trọng với gan, chức năng tim và thận, theo tiến sĩ Shikha Sundaram, Giám đốc y tế Chương trình Ghép gan Nhi tại Bệnh viện Nhi đồng Colorado.
Sĩ quan Carolyn Becker (phải) và đã hiến gan cho Clyde Hoffman (trái). Ảnh: CNN
Sĩ quan Carolyn Becker (phải) đã hiến gan cho Clyde Hoffman (trái). Ảnh: CNN.
Clyde Hoffman từng có một tuổi thơ vui vẻ và năng động, cho đến mùa xuân năm 2018 bắt đầu gặp khó khăn khi ăn, mất tập trung và thường xuyên mệt mỏi, chức năng gan giảm còn 10%. 
Bác sĩ cho rằng Clyde cần phẫu thuật ghép gan mới có cơ hội sống. Tháng 6/2018, Clyde được đưa vào danh sách chờ ghép gan. Chưa đầy một tháng sau, bệnh viện thông báo đã có người hiến tặng phù hợp. 
Người hiến gan cho Clyde là sĩ quan Carolyn Becker, từng làm việc tại Sở Cảnh sát quận Colorado, một bà mẹ hai con. Tháng 3/2018, cô đăng ký hiến gan thông qua một chương trình trực tuyến.
Ca phẫu thuật diễn ra vào tháng 8/2018. Bác sĩ đã cắt 1/3 gan của Carolyn và ghép thành công cho Clyde. Ngay lập tức, sức khỏe em cải thiện rõ rệt. Chứng vàng da dần thuyên giảm, cậu bé bắt đầu ăn uống bình thường.
"Lần đầu tiên, cháu đã ăn trọn vẹn một bữa. Cháu cảm thấy thèm ăn trở lại và điều này thật tuyệt vời", Clyde chia sẻ.
Gia đình Hoffman cũng vô cùng cảm động trước lòng tốt của Carolyn Becker. Việc hiến tạng trong khi thể trạng hoàn toàn khỏe mạnh được gọi là "hiến không định hướng" (non-directed donation). Điều này cực kỳ hiếm gặp. 
Năm 2018, Mỹ có 350 ca ghép tạng không định hướng, trong đó chỉ có 12 ca ghép gan, tính cả trường hợp của Carolyn và Clyde. 
Tiến sĩ Shikha Sundaram cho biết: "Tôi đã làm trong lĩnh vực này một thời gian dài. Tuy nhiên điều này vẫn khiến tôi vô cùng xúc động. Tôi không nghĩ có nghĩa cử nào cao đẹp hơn thế".
Bảy tháng sau ca phẫu thuật, Carolyn nhận được một bức thư cảm ơn từ Clyde. Trong thư, cậu bé viết: "Cảm ơn cô rất nhiều vì đã cho cháu cơ hội được sống. Cháu từng nghĩ điều này chẳng thể xảy ra. Giờ thì cháu có thể đi học, cháu không còn bị ngứa rát, vàng da và được sống cuộc sống bình thường. Cháu rất mong được gặp cô một ngày nào đó". 
Carolyn và tấm bảng gây quỹ. Ảnh: CNN
Carolyn và tấm bảng gây quỹ. Ảnh: CNN.
Lòng tốt của Carolyn chưa dừng lại ở đó. Sau khi tìm thấy trang web gây quỹ hỗ trợ viện phí ca cấy ghép do gia đình Clyde lập ra, cô quyết định giúp đỡ. Carolyn dành phần lớp mùa hè 2019, cầm một tấm bảng ghi dòng chữ: "Tôi đã hiến thùy gan trái cho một cậu bé 11 tuổi. Hãy giúp tôi quyên góp 20.000 USD chi trả hóa đơn cấy ghép cho cháu" và đi dọc lề đường tại New York.
Chỉ trong vài tháng, Carolyn gây quỹ thành công 10.000 USD. Cô gửi số tiền cho gia đình Clyde như một người ủng hộ ẩn danh. Clyde và cha mẹ không biết khoản đóng góp đến từ Carolyn, cho đến tháng 12 năm nay, sau lần gặp đầu tiên. 
Trong cuộc trò chuyện, Clyda đã kể cho cô nghe về ước mơ trở thành phi công. Gia đình em vô cùng cảm kích trước những việc tốt mà Carolyn đã làm, gọi đây là "món quà cứu sinh". 

Người sinh mùa xuân, hè dễ chết do bệnh tim mạch

Người sinh tháng 3-9 nguy cơ tử vong do các bệnh về tim cao hơn người sinh mùa thu, theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ. 
Các nghiên cứu trước đó được tiến hành tại nhiều quốc gia, trong đó có Thụy Điển, Đức, Nhật Bản, từng chỉ ra mối liên hệ tương tự giữa mùa, tháng sinh và nguy cơ tử vong sớm và tử vong do các bệnh về tim. Song, điểm hạn chế là chưa kiểm soát được đầy đủ các yếu tố như tiền sử bệnh của gia đình, tình hình kinh tế, xã hội. 
Để khắc phục những hạn chế này, các nhà nghiên cứu người Mỹ tiến hành phân tích dữ liệu của 116.911 nữ y tá độ tuổi 30-55 trong suốt 38 năm (bắt đầu năm 1976), nhằm kiểm tra mối liên hệ giữa thời gian sinh và tình hình tử vong nói chung, tử vong do bệnh tim mạch nói riêng. 
Các y tá được yêu cầu hoàn thành bảng câu hỏi chi tiết về sức khỏe và lối sống mỗi hai năm. Giấy chứng tử và hồ sơ bệnh án của họ cũng được sử dụng để xác định nguyên nhân tử vong. 
Kết quả, hơn 43.000 ca tử vong được ghi nhận, trong đó 8.360 ca tử vong do bệnh tim mạch.
Nhóm nghiên cứu cho rằng nguyên nhân gồm những thay đổi trong chế độ ăn uống của người mẹ ảnh hưởng tới dinh dưỡng của con, mức độ ô nhiễm không khí, lượng ánh sáng mặt trời cơ thể tiếp xúc trong giai đoạn thai kỳ và quãng thời gian đầu đời.  
Nghiên cứu mang tính quan sát, do đó không có chứng minh quan hệ nhân - quả. Nhóm khoa học cho biết cần nghiên cứu sâu hơn để làm rõ cơ chế ảnh hưởng của tháng sinh tới nguy cơ tử vong do các bệnh tim mạch. 
Các mùa trong nghiên cứu được tính theo các mốc: mùa xuân (từ ngày 21/3 đến 20/6), mùa hè (21/6 - 20/9), mùa thu (21/9 - 20/12), mùa đông (21/12 - 20/3). 

Bé 3 tuổi bị đột quỵ

Bé gái 3 tuổi ở An Giang đang chơi đột nhiên than đau đầu, nôn ói và yếu liệt dần.
Người nhà đưa bé đến khám tại địa phương trong tình trạng lơ mơ dần, được theo dõi viêm màng não. Ngày 30/11, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM). Sau khi làm xét nghiệm và chụp CT khẩn kiểm tra, bác sĩ phát hiện bé bị đột quỵ nhồi máu não do huyết khối.
Bệnh nhi được tiên lượng có nguy cơ cao tàn tật nếu không được xử trí kịp thời. Kíp can thiệp mạch não gồm bác sĩ Nguyễn Duy Khải, Trưởng Khoa Ngoại Thần Kinh, bác sĩ Huỳnh Hữu Danh đã lấy huyết khối đường động mạch dưới DSA. Sau 2 giờ can thiệp, động mạch bị tắc của bé được tái thông hoàn toàn.
Ngày 23/12, bé dần hồi phục sức cơ nửa người bên phải, đi đứng bình thường, tự ăn uống được.
Can thiệp lấy huyết khối bằng chụp mạch máu não số hóa xóa nền DSA là kỹ thuật chuyên sâu về đột quỵ não, có thể cứu sống tính mạng bệnh nhân trong gang tấc.
Bé gái hiện đang hồi phục tốt. Ảnh: P. V
Bé gái đang hồi phục sau đột quỵ. Ảnh bệnh viện cung cấp.
Đột quỵ nhồi máu não rất thường gặp ở người lớn và là một trong những bệnh lý gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Đột quỵ xảy ra khi sự lưu thông của máu ở não bị tắc nghẽn làm chết những tế bào não ngay tại vùng bị tắc. Những tế bào não ở vùng kế cận cũng bị giảm lượng máu đến nuôi. Để điều trị đột quỵ nhồi máu não, cần phải phát hiện bệnh lý sớm và cần được can thiệp kịp thời.
Ở trẻ em, đột quỵ nhồi máu não tương đối hiếm, gây nguy cơ tử vong rất cao, dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác làm chậm trễ quá trình điều trị. Nguyên nhân thường gặp là do bệnh lý tim bẩm sinh, bất thường mạch máu não. Khoảng 1/3 số trẻ em bị đột quỵ không tìm thấy nguyên nhân.

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2019

Cô gái nuốt cả bàn chải đánh răng vào họng

Nữ bệnh nhân 19 tuổi vừa đánh răng vừa cười đùa nên nuốt nguyên bàn chải vào bụng, được đưa vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cấp cứu. 
Các bác sĩ Trung tâm Nội soi Can thiệp đã xử trí thành công, lấy bàn chải ra ngoài cho bệnh nhân. Đây là một trong 4 trường hợp nuốt dị vật được bệnh viện can thiệp trong tuần qua.
Một bệnh nhân 69 tuổi trong khi ăn đã nuốt phải cầu răng giả. Một bệnh nhân 61 tuổi uống viên thuốc còn nguyên vỏ vào bụng và một cụ bà 82 tuổi nhập viện do mắc nghẹn cục thịt lớn.  
Sau khi chụp X-quang, các bệnh nhân được bác sĩ nội soi gắp dị vật an toàn.
Nuốt dị vật vào đường tiêu hóa là một tai nạn thường gặp. Phần lớn trường hợp, dị vật sẽ tự trôi xuống ống tiêu hóa trước khi đào thải qua phân. Đôi khi dị vật bị tắc lại ở một chỗ hẹp gây viêm, loét, thậm chí thủng đường tiêu hóa, ảnh hưởng tới tính mạng bệnh nhân.
Theo bác sĩ Trần Quốc Tiến, Giám đốc Trung tâm Nội soi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khoảng 5% ca gặp biến chứng, phụ thuộc vào loại dị vật, vị trí và thời gian từ khi nuốt. Thường gặp nhất là biến chứng do dị vật thực quản như rách niêm mạc vùng hầu họng, nuốt khó, thủng thực quản, áp xe thực quản, viêm trung thất, thủng các mạch máu lớn vùng cổ, động mạch chủ ngực, tràn khí màng phổi, rò khí quản - thực quản, rò thực quản - động mạch chủ... 
Dị vật ở dạ dày và ruột non có thể làm thủng, áp xe trong ổ bụng, viêm phúc mạc hay tắc ruột. Đây là những biến chứng nặng, cần can thiệp bằng phẫu thuật.
Để phòng tránh dị vật đường tiêu hóa, bác sĩ Trần Quốc Tiến khuyến cáo cần ăn chậm, nhai kỹ, không nên vừa ăn vừa nói chuyện, bỏ thói quen ngậm tăm... Người già và trẻ nhỏ tránh ăn thức ăn dai như da, gân; thức cần được cắt nhỏ nấu kỹ. Người có răng giả cần thận trọng khi ăn uống, thường xuyên kiểm tra độ vững chắc của răng giả. Vật dụng hay đồ chơi nhỏ nên để xa tầm tay trẻ để phòng cho vào miệng.
Khi hóc dị vật, nên đến khám và điều trị can thiệp tại các cơ sở y tế, không nên tự ý điều trị tại nhà hoặc điều trị mẹo theo dân gian làm bệnh phức tạp thêm.

Có hai tử cung vẫn sinh con bình thường

Sau hơn 10 năm và 4 lần sảy thai, cuối cùng may mắn đã mỉm cười với Emily Taylor, người phụ nữ mắc hội chứng tử cung đôi. 
Tử cung là nơi nuôi dưỡng thai nhi, một phần không thể thiếu giúp người phụ nữ thực hiện thiên chức làm mẹ. Do vậy, những bất thường dù là nhỏ nhất cũng có thể ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của thai kỳ. 
Một số phụ nữ có tử cung đôi, là dị tật bẩm sinh hiếm gặp khiến tử cung chia hai buồng riêng biệt. Khi ấy người phụ nữ có hai ống dẫn trứng và hai tử cung. 
Emily Taylor (giữa) cùng hai con là Richi (trái) và Arlie (phải). Ảnh: Triagnle News
Emily Taylor (giữa) cùng hai con là Richi (trái) và Arlie (phải). Ảnh: Triagnle News.
Emily Taylor, sống tại thị trấn Brecon, Wales, sảy thai liên tục 4 lần. Tình trạng tử cung đôi của cô chỉ được phát hiện sau đi khám. 
Emily và chồng cũ cố gắng có con lầu đầu 10 năm trước đây. Ở tuổi 21, cô mang bầu một cách dễ dàng. Tuy nhiên, khi khám sản khoa ở tuần thứ 12, cô được thông báo thai chết lưu.
Năm 2013, cô gặp chồng hiện tại là Richard Taylor. Họ kết hôn ngay sau đó, sẵn sàng để xây dựng một gia đình hạnh phúc. Từ năm 2013 đến năm 2015, Emily sảy thai ba lần, đều trước tuần thai thứ 12.
Cô gặp bác sĩ sản phụ khoa. Ban đầu, kết quả chiếu chụp không cho thấy các biểu hiện bất thường. Sau khi kiểm tra tổng thể, bác sĩ tỏ ra kinh ngạc. Emily có hai tử cung, cả hai đều nhỏ hơn so với kích cỡ bình thường một chút. Tình trạng này ảnh hưởng đến cơ hội làm mẹ của cô. 
"Tôi đã vô cùng đau khổ. Đó là lý do khiến tôi không thể có em bé. Tôi đã nghĩ mình chẳng thể nào mang thai nữa, dù chồng luôn động viên tôi cố gắng", cô chia sẻ.
Cặp vợ chồng được tư vấn thụ tinh nhân tạo, bác sĩ có thể cấy phôi thai vào tử cung ít tạo ra các rủi ro. 
Emily cùng chồng Richard và hai con. Ảnh: Triagnle News
Emily cùng chồng Richard và hai con. Ảnh: Triagnle News.
Tháng 5/2016, Emily mang thai. Sau 12 tuần thai kỳ, may mắn thai nhi phát triển hoàn toàn bình thường trong tử cung bên phải. 
"Tôi đã hoảng sợ, liên tục lo lắng liệu thai kỳ bất ổn hay không. Tôi cứ nghĩ, rồi đây điều gì đó tồi tệ sẽ xảy ra", Emily thừa nhận.
Đến tuần thai thứ 37, tử cung của cô trở nên quá hẹp so với em bé. Các bác sĩ tiến hành mổ lấy thai và cắt bỏ tử cung bên phải của Emily.
Bé Richi sinh ra vào ngày 11/1/2017, hoàn toàn khỏe mạnh, nặng 2,9 kg.
Cặp đôi tiếp tục cố gắng có con sau khi Richi tròn một tuổi. Họ thành công sau hai tháng. Bé Arlie nằm trong tử cung bên trái, được sinh ra vào ngày 26/10 năm ngoái, nặng 2,8 kg. 
Hiện, Richi đã được 2 tuổi và Arlie vừa trải qua sinh nhật đầu tiên vào tháng 10 năm nay. Cả Emily và chồng đều vô cùng hạnh phúc khi nghĩ về quãng đường họ cùng nhau trải qua trong thời gian qua. 

Cuộc chiến chống ung thư của một gia đình

Một gia đình tại Florida có ba người cùng chiến đấu chống lại các căn bệnh ung thư hiếm gặp.
Năm 2014, Kathy Desclefs được chẩn đoán mắc bệnh u lympho không Hodgkin. Đây là một khối u ác tính, bắt nguồn từ các tế bào máu trắng. Tháng 8 năm nay, chồng cô là Benoit Desclefs được thông báo về một khối u não không thể phẫu thuật. Đến tháng 10, Luke, con trai họ biết mình mắc ung thư hạch có Hodgkin.
Vợ chồng  Kathy Desclefs Benoit Desclefs. Ảnh: Kathy Whelan Benoit Desclefs 
Vợ chồng  Kathy Desclefs Benoit Desclefs. Ảnh: Kathy Whelan Benoit Desclefs 
"Đây là một quá trình đầy đau khổ", Kathy chia sẻ.
Từ năm 2014, Kathy thường xuyên ra vào bệnh viện để điều trị ung thư. Trong khi đó, con trai cô cho biết, khi được chẩn đoán mắc bệnh u lympho Hodgkin vào tháng 10 năm nay, cậu bé không có các biểu hiện quá bất thường.
"Tôi thấy một cục u kỳ lạ trên cổ và nói với mẹ",  Luke cho biết.
Dù có tên gần giống nhau, căn bệnh mà Kathy và Luke mắc phải có nhiều điểm khác biệt. Đây là hai loại chính của u lympho. U lympho Hodgkin xảy ra khi các tế bào B trở nên lớn bất thường được gọi là tế bào Reed - Sternberg. U thường phát triển ở phần trên của cơ thể như cổ, ngực hoặc nách. Trong khi đó, u lympho không Hodgkin có trong các mạch bạch huyết khắp cơ thể.
Luke Desclefs được chẩn đoán mắc ung thư hạch có Hodgkin vào tháng 10 năm nay. Ảnh: Kathy Whelan Benoit Desclefs 
Luke Desclefs được chẩn đoán mắc ung thư hạch có Hodgkin vào tháng 10 năm nay. Ảnh: Kathy Whelan Benoit Desclefs 
Ung thư hạch Hodgkin thường được phát hiện ở giai đoạn đầu, là căn bệnh dễ điều trị. Ngược lại, ung thư hạch không Hodgkin hiếm hơn, chỉ có thể chẩn đoán khi khối u đã tiến triển. 
Ttrong lúc đau khổ nhất, Benoit Desclefs, người chồng, người cha, trụ cột của gia đình được thông báo rằng khối u não không thể phẫu thuật. 
Benoit là đầu bếp người Pháp. Anh chuyển đến Jacksonville, Florida, 16 năm trước để mở nhà hàng có tên The Magnificat Cafe. Để trang trải tiền viện phí, có thể gia đình Desclefs sẽ phải bán The Magnificat Cafe.
"Thật khó khăn về cả tinh thần và thể chất. Nhưng tôi luôn cầu nguyện và tiếp tục cố gắng", anh chia sẻ. 
Anh bắt đầu quá trình hóa trị trong tháng 12 này, cùng với con trai Luke. 
Tiên lượng của Benoit là 12 năm. Trong khi đó, Luke đang chờ đợi kết quả chụp PET (Positron Emission Tomograpgy) trong tuần này. Nếu phản ứng tốt với phác đồ điều trị, cậu bé sẽ có triển vọng rất khả quan. Tuy nhiên, căn bệnh của Kathy cực hiếm và phát triển vô cùng phức tạp. Hiện bác sĩ chưa thể đưa ra câu trả lời chính xác về tương lai của cô.
Gia đình Desclefs đã phải vật lộn để xoay xở giữa việc điều trị và kinh doanh nhà hàng. Benoit thuê thêm nhân viên để phụ giúp do sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. Họ cũng thành lập một chiến dịch gây quỹ trên Go Fund Me để kêu gọi các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ quá trình trị bệnh cho cả gia đình.

Ung thư gan thành 'đại họa' tại Việt Nam

Nhiều người viêm gan B, C không phát hiện và điều trị, thêm nghiện rượu bia, thuốc lá... khiến ung thư gan trở thành bệnh nguy hiểm hàng đầu.
Theo giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, ung thư gan đang trở thành "đại họa" tại Việt Nam. Số bệnh nhân ung thư gan vào năm ngoái đã vượt qua ung thư phổi, xếp thứ nhất ở cả số ca mắc mới lẫn tỷ lệ tử vong, đều trên 25.000 người. 
Nguy cơ chính của ung thư gan là viêm mạn do virus viêm gan B hoặc viêm gan C, phơi nhiễm aflatoxin, nghiện rượu nặng, béo phì, hút thuốc lá và tiểu đường type 2.
"Viêm gan virus đang là một đại dịch. Cần ngăn đại dịch viêm gan mới tránh được đại họa ung thư gan", giáo sư Hùng nhấn mạnh. Viêm gan virus B, C diễn tiến chầm chậm đến các bệnh gan mạn, ung thư và tử vong. Trên toàn cầu, ung thư gan thường gặp hàng thứ tư và gây tử vong hàng thứ hai ở đàn ông.
Việt Nam cùng 10 nước gồm Brazil, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Indonesia, Mông Cổ, Nigeria, Pakistan, Uganda, mang 50% gánh nặng viêm gan mạn toàn cầu. Ước tính có khoảng 1,4 triệu người chết hàng năm do nhiễm cấp tính và ung thư gan có liên quan đến viêm gan, xơ gan, con số xấp xỉ mức tử vong tổng cộng do sốt rét, HIV/AIDS và lao.
Tiến sĩ Margaret Chan, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, ngày nay viêm gan virus được coi là một thách thức sức khỏe cộng đồng cần phải đáp trả khẩn cấp. Số người mang virus viêm gan B sẽ tăng cao trong những năm tới với 20 triệu người chết trong khoảng 2015-2030. WHO kêu gọi tăng cường hoạt động nhằm loại bỏ viêm gan B và C vào năm 2030, bằng cách làm giảm số ca nhiễm mới và số tử vong.
Virus viêm gan B (HBV) lây nhiễm qua đường máu, với sự truyền bệnh từ mẹ sang con, tiêm chích không an toàn, quan hệ tình dục. Viêm gan B có thể phòng ngừa hiệu quả, an toàn nhờ vắcxin. Tổ chức Y tế thế giới khuyên nên lồng ghép vắcxin vào chương trình tiêm chủng trẻ em, tiêm càng sớm càng tốt sau khi sinh, tốt nhất trong vòng 24 giờ.
Viêm gan B mạn có thể được điều trị bằng thuốc uống gồm cả thuốc kháng virus. Việc điều trị có thể làm chậm diễn tiến bệnh, giảm bớt nguy cơ ung thư gan và kéo dài sống còn. Có khoảng 10-40% người mang viêm gan mạn cần điều trị. Phần lớn người bệnh được điều trị không khỏi hẳn bệnh mà chỉ làm giảm lượng virus sinh sôi, vì vậy người bệnh phải theo dõi điều trị lâu dài.
Virus viêm gan C (HCV) làm tăng nguy cơ ung thư gan bằng cách thúc đẩy sự hóa sợi và xơ gan. Khoảng 15-30% số người nhiễm bệnh rồi tự khỏi mà không biết, là HCV cấp tính. Còn lại khoảng 70-85%, bệnh sẽ thành mạn tính, dai dẳng dẫn đến xơ gan, ung thư gan.

Cải thiện an ninh thực phẩm hộ gia đình phụ nữ nông thôn nghèo

Viện Dinh dưỡng (NIN) nghiên cứu cùng với các nhà khoa học của Đại học Ryers Canada với sự tài trợ của Tổ chức Nghiên Cứu Phát Triển Canada...