Thứ Hai, 18 tháng 6, 2018

Thuốc chữa ung thư ngày càng quá đắt đỏ

Những năm gần đây, các phương pháp điều trị ung thư đạt được những bước tiến đáng kể song chi phí thuốc lại ngày một tăng, NBC News đưa tin. "Chi tiêu toàn cầu cho thuốc ung thư vào năm 2013 đạt 96 tỷ USD, đến năm 2017 đã tăng thành 133 tỷ USD", báo cáo của Viện Dữ liệu Khoa học Con người IQVIA (Mỹ) chỉ ra. "Đến năm 2022, con số này sẽ đạt 200 tỷ USD". 
Riêng tại Mỹ, chỉ trong năm năm, giá trung bình thuốc chữa ung thư tăng gấp đôi, từ 79.000 USD năm 2013 lên 150.000 USD năm 2017. Bất chấp cam kết giảm giá thuốc kê theo toa của Tổng thống Donald Trump, giá leo thang chưa có dấu hiệu dừng lại do một số nguyên nhân như thiếu cạnh tranh, thuế cao. 
Mẫu máu của bệnh nhân ung thư điều trị theo liệu pháp tế bào T. Ảnh: AP.
Mẫu máu của bệnh nhân ung thư điều trị theo liệu pháp tế bào T. Ảnh: AP.
Năm ngoái, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt hai loại thuốc Kymriah và Yescarta điều trị ung thư máu, giá mỗi liệu trình từng loại thuốc là 475.000 USD (tương đương 10,8 tỷ đồng) và 373.000 USD (tương đương 8,5 tỷ đồng). Hoạt động trên nguyên tắc liệu pháp tế bào T, thuốc Kymriah và Yescarta hứa hẹn "hiệu quả thần kỳ" song chắc chắn vô dụng nếu bệnh nhân không thể chi trả. 
"Hàng nghìn bệnh nhân kể với chúng tôi rằng họ phải giảm liều, cắt thuốc làm đôi, nhịn ăn, thậm chí tuyên bố phá sản vì tiền thuốc", ông Ben Wakana, giám đốc điều hành một nhóm vì quyền lợi bệnh nhân nói với NewYork Times
Trên thực tế, rất ít bệnh nhân ung thư Mỹ có cơ hội sử dụng thuốc. Báo cáo của IQVIA cho thấy 87% dược phẩm điều trị ung thư năm 2017 được dùng cho chưa đến 10.000 người trong khi tổng số bệnh nhân ung thư ở Mỹ là hơn 1,6 triệu. "Nếu giới chức không hành động, bệnh nhân cùng gia đình sẽ bị tổn thương", ông Wakana nhấn mạnh. "Toàn bộ hệ thống sẽ bị đè nặng bởi những loại thuốc kỳ diệu không ai mua nổi". 

Phát hiện ung thư trực tràng sau nhiều ngày đau bụng, sụt cân

Đau bụng kéo dài, chỉ đến khi đi ngoài ra máu người đàn ông Hà Nội 64 tuổi mới đi khám, phát hiện bị ung thư đại trực tràng.

Ông vào Bệnh viện K Trung ương cơ sở Tân Triều trong tình trạng đau bụng hạ vị, giảm cân chỉ còn 45 kg, thể trạng yếu, da xanh, niêm mạc nhợt. Bệnh nhân được truyền máu, truyền đạm, kháng sinh nâng đỡ cơ thể, sau khi phục hồi mới tiến hành xét nghiệm. Kết quả chụp chiếu cho thấy ông bị ung thư trực tràng gây thiếu máu, suy nhược cơ thể.
Mổ nội soi cắt khối u đại trực tràng cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Mổ nội soi cắt khối u đại trực tràng cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Bác sĩ chỉ định điều trị hóa xạ trị tiền phẫu cho bệnh nhân, sau khi kết thúc chu trình xạ trị mới phẫu thuật. Rất may, bệnh nhân đáp ứng tốt với xạ trị, kích thước khối u đã co nhỏ lại, phù hợp cho phương pháp phẫu thuật nội soi 3D một lỗ Trocart.
Bác sĩ Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K cho biết, với phương pháp mổ này, bụng bệnh nhân sau mổ chỉ có một vết sẹo rất nhỏ ở vùng rốn, tính thẩm mỹ cao. Bệnh nhân rút ngắn thời gian nằm viện, giảm đau sau mổ mà vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị ung thư. Kíp phẫu thuật đã cắt toàn bộ mạch treo trực tràng bệnh nhân cho tới sát vùng đáy chậu. Sau mổ bệnh nhân hồi phục tốt.
Bác sĩ khuyến cáo, biểu hiện ung thư đại trực tràng không đặc trưng nên người bệnh thường không nghĩ tới ung thư. Triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào vị trí khối u và mức độ xâm lấn xung quanh cũng như lan toàn cơ thể.
Người bệnh có thể thay đổi thói quen đại tiện như có khi tiêu chảy có lúc táo bón không rõ nguyên nhân, thay đổi hình dạng khuôn phân. Bệnh nhân bị chảy máu đường tiêu hóa dưới qua dấu hiệu đi ngoài phân nhầy lẫn máu hoặc phân đen, nếu ở giai đoạn đầu của ung thư đại trực tràng.
Khối u lớn có thể lấp kín lòng đại trực tràng gây tắc ruột với các biểu hiện như táo bón, đau bụng, đầy bụng và nôn. Những biểu hiện này rất dễ gặp thông thường nên bị người bệnh coi nhẹ. Khi khối u phát triển có thể dẫn đến thủng ruột gây viêm phúc mạc. Ngoài ra, người bệnh đi phân máu lâu ngày dẫn tới thiếu máu, thiếu sắt, mệt mỏi, xanh xao, gầy sút cân, ăn kém, sốt không rõ nguyên nhân.
Ung thư đại trực tràng phần lớn sẽ di căn gan. Nếu di căn nhiều gây vàng da, đau bụng do u xâm lấn bao gan, đường mật.

Văcxin mới giúp cơ thể nhận diện tìm diệt tế bào ung thư não

U nguyên bào thần kinh đệm là dạng nguy hiểm nhất của ung thư não ở người lớn, thường được điều trị bằng cách phẫu thuật kết hợp với xạ trị, hóa trị song hiệu quả còn hạn chế bởi căn bệnh rất khó can thiệp. Trung bình, bệnh nhân sau phẫu thuật chỉ sống thêm 15-17 tháng.
Giờ đây, tình trạng trên có thể sẽ thay đổi nhờ loại văcxin mới mang tên DCVax. Trên tờ Translational Medicine, các nhà khoa học tuyên bố DCVax đã bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ ba và cho thấy hiệu quả kéo dài sự sống cho người bị u nguyên bào thần kinh đệm.
Văcxin DCVax đem tới hy vọng cho bệnh nhân ung thư não. Ảnh: Reuters.
Văcxin DCVax đem tới hy vọng cho bệnh nhân ung thư não. Ảnh: Reuters.
Theo BBC, DCVax hoạt động bằng cách nhắm đến tế bào miễn dịch dendritic của cơ thể người, giúp chúng nhận dạng và tìm diệt khối u. Vì tính chất giúp cơ thể làm quen với tế bào ung thư nên DCVax được xếp vào chủng loại văcxin chứ không phải thuốc. Văcxin đã được nghiên cứu suốt 11 năm và vừa bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ ba trên 331 tình nguyện từ Anh, Mỹ, Canada, Đức. Trong số này, 232 bệnh nhân được tiêm DCVax còn những người còn lại sử dụng giả dược cùng liệu pháp thông thường.
Kết quả cho thấy thời gian sống sót trung bình của các tình nguyện viên dùng DCVax sau phẫu thuật là 23 tháng, 100 người đạt hơn mốc 40,5 tháng. Cá biệt, một trường hợp trụ được 7 năm.
Là một người thử nghiệm DCVAx, Kat Charles (Anh) từng được thông báo chỉ còn 3 tháng sống sau khi nhận chẩn đoán ung thư não vào năm 2014. "Họ nói rằng không thể làm gì nữa", người phụ nữ 36 tuổi chia sẻ. Trải qua lần lượt các phương pháp thông thường và thử nghiệm một loại thuốc khác, Kat cùng chồng là Jason quyết định chuyển sang DCVax. Kết thúc liệu trình, khối u của Kat hoàn toàn biến mất.
"DCVax làm được thứ mà người khác tin là không thể", Jason vui mừng. "Không có phương pháp này, tôi đã mất vợ và các con mất mẹ".
Hiện nay, Kat tiếp tục tiêm văcxin đều đặn. "Tôi lên London, tiêm rồi về nhà. Thuốc không gây tác dụng phụ. Điều đó thật tuyệt", nữ bệnh nhân hạnh phúc nói.
Keyoumars Ashkan, giáo sư phẫu thuật thần kinh từ Bệnh viện Đại học King đảm nhận vị trí giám sát DCVax nhận định văcxin ung thư não đã đem tới hy vọng mới cho bệnh nhân cũng như các y bác sĩ đang đấu tranh với căn bệnh kinh khủng này. "Còn phải xem xét thêm song đây thực sự là bước đột phá trong điều trị u nguyên bào thần kinh", ông Ashkan kết luận. 

Chữa ung thư vú không cần hóa trị

Nhiều bệnh nhân ung thư vú được khuyên hóa trị sau khi phẫu thuật, song chưa chắc đã thực sự cần thiết, TIME đưa tin. Mới đây, các nhà khoa học Mỹ phát hiện phụ nữ mới bị ung thư vú không cần hóa trị vẫn có thể chiến thắng căn bệnh.
Nhóm nhà nghiên cứu do bác sĩ Joseph Sparano từ Trung tâm Y tế Montefiore New York đứng đầu đã lựa chọn 10.273 bệnh nhân ung thư vú chưa lan đến hạch bạch huyết, ER dương tính (ung thư tăng trưởng do estrogen hoặc progesterone) và không đáp ứng với thuốc Herceptin. Toàn bộ tình nguyện viên đã phẫu thuật và điều trị hormone.
Qua xét nghiệm gene, nhóm nghiên cứu nhận thấy 67% phụ nữ có nguy cơ tái phát ở mức trung bình. Số này tiếp tục được chia làm hai nhóm: một nhóm hóa trị và một nhóm không hóa trị. Trải qua 9 năm, 94% tình nguyện viên ở cả hai nhóm còn sống sót và khoảng 84% không còn dấu vết ung thư. Điều này chứng tỏ hóa trị hay không đều không tạo nên sự khác biệt.
Bệnh nhân ung thư vú hóa trị tại một cơ sở ở Nice (Pháp). Ảnh: Reuters.
Bệnh nhân ung thư vú hóa trị tại một cơ sở ở Nice (Pháp). Ảnh: Reuters.
Từ kết quả trên, bác sĩ Richard Schilsky, giám đốc y tế Hiệp hội Ung thư Mỹ tin rằng bệnh nhân ung thư vú nên xét nghiệm gene để xác định hướng điều trị thích hợp, giảm chi phí không cần thiết. Ở Mỹ, xét nghiệm Oncotype DX giá 4.000 USD được bảo hiểm chi trả. Bệnh nhân cũng có thể lựa chọn các xét nghiệm phổ biến khác như MammaPrint.
Tuy nhiên, bác sĩ Jenniger Litton từ Trung tâm Ung thư Anderson Houston nghi ngờ khả năng thuyết phục bệnh nhân. "Có những người không quan tâm, không chịu hóa trị hay xét nghiệm gene. Ngược lại, một số người nhất định đòi hóa trị", bác sĩ Jenniger Litton nói.
Trên thực tế, thay vì hóa trị với hàng loạt tác dụng phụ nặng nề, y học thế giới đang dần chuyển sang liệu pháp gene, ức chế hormone và liệu pháp miễn dịch. Trường hợp cần hóa trị, thời gian tiến hành và liều thuốc được giảm bớt. Một công trình nghiên cứu từng kết luận đối với bệnh nhân ung thư phổi, thuốc miễn dịch Keytruda hiệu quả hơn hẳn hóa trị mà ít tác dụng phụ.

Nguy cơ ung thư nếu thiếu vitamin D

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Băng Sương, Trưởng khoa Xét nghiệm Bệnh viện Đại Học Y Dược, tình trạng thiếu hụt vitamin D lâu dài gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như mềm xương, gãy xương ở trẻ em hoặc nhuyễn xương ở người lớn. Nhiều nghiên cứu cho thấy người thiếu vitamin D có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư tiền liệt tuyến… cao hơn những người bình thường.
Người thiếu vitamin D có nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư những người bình thường. Ảnh: THS
Người thiếu vitamin D có nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư hơn người bình thường. Ảnh: THS
Bác sĩ Sương khuyên, để phát hiện thiếu hay đủ thì cần phải xét nghiệm đánh giá nồng độ vitamin D trong máu. Xét nghiệm vitamin D được thực hiện tại đa số bệnh viện với phương thức chạy trên máy tự động, thời gian trả kết quả nhanh chóng và chính xác.
Tuy nhiên, nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của vitamin D chưa cao. Số liệu về tình trạng thiếu hụt vitamin D tại Việt Nam cũng chưa được công bố rộng rãi nên người dân chưa quan tâm bổ sung đúng mức.
Một số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy khoảng 46% nữ giới thiếu vitamin D và 20% nam. Tại một số quốc gia châu Á khác như Malaysia, tỷ lệ thiếu vitamin D khá cao, khoảng 67,4%.

Cải thiện an ninh thực phẩm hộ gia đình phụ nữ nông thôn nghèo

Viện Dinh dưỡng (NIN) nghiên cứu cùng với các nhà khoa học của Đại học Ryers Canada với sự tài trợ của Tổ chức Nghiên Cứu Phát Triển Canada...