Thứ Hai, 13 tháng 1, 2020

Lý do bạn nên ăn cà tím

Cà tím giàu vitamin, chất khoáng, chất chống oxy hóa giúp phòng bệnh tim mạch, hỗ trợ giảm cân, kiểm soát lượng đường trong máu.
Giảm nguy cơ bệnh tim mạch
Vitamin P trong cà tím có thể phòng ngừa bệnh cao huyết áp, xơ cứng động mạch. Thành phần kali giúp ổn định hoạt động của tim. Chất nhày của cà tím làm giảm triglycerid và cholesterol, giảm cholesterol xấu và chất béo trung tính. Chính vì thế, các nhà dinh dưỡng thường khuyên người muốn phòng bệnh tim mạch nên ăn cà tím.
Kiểm soát lượng đường trong máu
Cà tím giàu chất xơ, polyphenol giúp giảm lượng đường trong máu và khả năng hấp thụ đường trong cơ thể, qua đó ổn định đường huyết.
Hỗ trợ giảm cân
Cà tím nhiều chất xơ, các vitamin A, B, C, K, P, axit folic; giàu chất khoáng như kali, magiê, canxi và phốt pho. Do đó ăn cà tím có thể phòng nguy cơ đái tháo đường tuýp 2.
Một chén cà tím (khoảng 80 g) chứa 20 g calo, 5 g tinh bột, 3 g chất xơ, 1 g protein và không có chất béo. Do đó, cà tím phù hợp để ăn kiêng.
Phòng ngừa ung thư
Giống như các thực phẩm màu tím khác, cà tím chứa một số chất có tác dụng chống lại các tế bào ung thư như solasodine rhamnosyl glycosides (SRG). Cà tím cũng rất giàu anthocyanin, là một sắc tố có đặc tính chống oxy hóa đồng thời tạo vỏ màu tím cho quả cà, tác dụng chống ung thư. 
Bạn có thể kết hợp cà tím với nhiều thực phẩm khác cho phù hợp với nhu cầu và chế độ ăn của bản thân và gia đình. Các món ăn từ cà tím dễ chế biến và đảm bảo dinh dưỡng.

Xuyên đêm cứu bệnh nhân vỡ tim

Nữ bệnh nhân 39 tuổi phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, bị tai nạn giao thông, ngưng tim.
Bệnh nhân được kíp cấp cứu 115 ngày 10/1 sơ cứu ngừng tuần hoàn, hồi sức tim, sau đó chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Bệnh nhân bị đa chấn thương ở ngực và bụng, sốc nặng, lơ mơ, toàn thân tím tái, huyết áp thấp, mạch ngoại vi không bắt được, tình trạng nguy kịch.
Các bác sĩ đã hồi sức tích cực cho bệnh nhân, kết quả chụp chiếu phát hiện tim vỡ gây chảy máu, tràn dịch màng tim chèn ép làm tim ngừng đập. 
Bệnh viện kích hoạt hệ thống báo động đỏ, huy động các bác sĩ chuyên khoa hồi sức, gây mê vừa hồi sức tim vừa chuyển thẳng bệnh nhân vào phòng mổ để phẫu thuật cấp cứu ngay trong đêm.
Kíp phẫu thuật do bác sĩ Phạm Việt Hùng - Trưởng khoa Ngoại, làm kíp trưởng, phát hiện xương ức bệnh nhân bị gãy nhiều đoạn do chấn thương, nhiều máu cục trong màng tim. Kíp mổ quyết định sử dụng hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể trong quá trình mổ cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ, tổn thương được xử trí an toàn, đường vỡ tim được khâu lại, nhịp đập tim ổn định. Sau khi kiểm tra không thấy có thêm tổn thương nào khác, kíp mổ tiến hành rút máy tim phổi nhân tạo, đặt dẫn lưu và đóng lồng ngực.
Ngày 12/1, bệnh nhân tỉnh táo, ăn uống, đi lại bình thường, các chức năng tim mạch ổn định, các tổn thương khác vùng ngực và bụng tiến triển tốt.
Bệnh nhân chia sẻ: "Mở mắt ra thấy mình vẫn sống thực sự không còn niềm vui mừng nào hơn thế".
Bệnh nhân vỡ tim cười rạng rỡ và đi lại dễ dàng sau 2 ngày phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bệnh nhân vui mừng đi lại sau 2 ngày phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Phạm Việt Hùng cho biết vỡ tim là tổn thương rất nặng nề, phần lớn bệnh nhân sẽ tử vong ngoại viện trong thời gian ngắn vì mất máu cấp hoặc bị chèn ép tim cấp gây ngừng tim. Trường hợp bệnh nhân này khá may mắn. 
Đây là lần đầu tiên bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh thực hiện mổ tim hở cho bệnh nhân bị vỡ tim trong tình trạng sốc đa chấn thương phải chạy máy tim phổi nhân tạo. 

Trầm cảm - bệnh hủy hoại dần ý thức sống

Trầm cảm là rối loạn tâm thần phổ biến hiện nay, xảy ra mọi lứa tuổi và có thể dẫn người bệnh đến kết cục tự chấm dứt cuộc đời.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Nguyên Ngọc, Trưởng phòng Điều trị Rối loạn Aảm xúc, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết trầm cảm hiện thường gặp trong cộng đồng. Giai đoạn trầm cảm khởi đầu cho các rối loạn cảm xúc tiếp theo, có thể diễn ra theo nhiều hình thái khác nhau như rối loạn cảm xúc lưỡng cực hoặc rối loạn trầm cảm tái diễn...
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có khoảng 340 triệu người trên thế giới mắc trầm cảm và ít nhất 15% dân số có biểu hiện trầm cảm rõ rệt ở một giai đoạn nào đó trong cuộc sống. Năm 2000, trầm cảm đứng thứ 4 trong 15 bệnh gây gánh nặng bệnh tật toàn cầu, dự đoán cho đến năm 2020 căn bệnh này đứng thứ 2 và năm 2030 sẽ leo lên vị trí thứ nhất.
Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt từ 25 đến 44, trong đó bệnh nhân nữ gấp đôi nam. Phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ mắc trầm cảm gấp 2 lần so với chưa mãn kinh. Tại các cơ sở y tế chuyên khoa, số lượng bệnh nhân đến thăm khám các bệnh lý liên quan đến trầm cảm tăng 20-30% mỗi năm. 
Việt Nam có khoảng 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Chỉ khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết, theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).
Thời kỳ Hy Lạp cổ đại, trầm cảm được cho là một bệnh lý do sự mất cân bằng các chất dịch trong cơ thể. Cha đẻ của ngành y học thế giới, thầy thuốc Hippocrates (năm 460 - 377 TCN) dùng thuật ngữ "sầu uất" xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ, để chỉ trầm cảm. Ông cho rằng quá nhiều mật đen trong lách gây ra các biểu hiện như sợ hãi và chán nản, thất vọng kéo dài.
Thế kỷ 14, thuật ngữ "trầm cảm" (depression) xuất phát từ động từ deprimere trong tiếng Latin, nghĩa là "đè nén" (press down), được sử dụng với ý nghĩa là sự đè nén, giảm sút nặng về tinh thần. 
Thế kỷ 20, Sigmund Freud đề cập tới cơ chế sự mất mát gây nên sầu uất nghiêm trọng, không chỉ trạng thái tiêu cực bên ngoài mà còn do cái tôi bên trong bị tổn thương gây suy giảm sự tự nhận thức, cảm giác tội lỗi, thấp kém và vô giá trị. 
Sau này, nghiên cứu chỉ ra rằng trầm cảm là do mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh của não, mở ra hướng nghiên cứu về sự liên quan giữa thay đổi mức monoamine trong não với các triệu chứng trầm cảm, là cơ sở nghiên cứu bệnh sinh và điều trị trầm cảm.
Có nhiều cách phân loại rối loạn trầm cảm như phân loại theo nguyên nhân bao gồm trầm cảm nội sinh, tâm sinh, thực tổn. Phân loại theo mức độ bao gồm giai đoạn trầm cảm nhẹ, vừa, nặng. Phân loại theo sự có mặt của các triệu chứng loạn thần bao gồm trầm cảm có triệu chứng loạn thần và trầm cảm không có triệu chứng loạn thần. Phân loại theo sự có mặt của các triệu chứng cơ thể là trầm cảm có triệu chứng cơ thể và trầm cảm không có triệu chứng cơ thể.
Trầm cảm kéo dài để lại nhiều hậu quả nặng nề cho trẻ em về mặt phát triển xã hội, phát triển cảm xúc và học tập. Ảnh: Straitstimes
Trầm cảm kéo dài để lại nhiều hậu quả nặng nề cho trẻ em về mặt phát triển xã hội, phát triển cảm xúc và học tập. Ảnh: Straitstimes
Trầm cảm bao gồm 3 biểu hiện chính và 7 triệu chứng phổ biến, tồn tại trong khoảng ít nhất 2 tuần.
Biểu hiện chính là khí sắc trầm, mất quan tâm thích thú, giảm năng lượng dẫn đến mệt mỏi và giảm hoạt động. Triệu chứng phổ biến là giảm sút sự tập trung và sự chú ý, giảm sút tính tự trọng và lòng tự tin, có ý tưởng bị tội và không xứng đáng với người khác. Trầm cảm khiến người mang bệnh bi quan, nhìn tương lai ảm đạm, có ý tưởng và hành vi tự hủy hoại hoặc tự sát, rối loạn giấc ngủ, ăn ít ngon miệng. Người bị trầm cảm có thể gây nguy hiểm đối với người khác như xô xát, cãi vã và giết người. 
Tuy nhiên, cần phân biệt trầm cảm với các rối loạn khác. Người bệnh có ảo giác như nghe tiếng nói lạ trong đầu hay nhìn thấy các hình ảnh khác thường và hoang tưởng điều kỳ lạ là dấu hiệu của rối loạn loạn thần cấp. Bệnh nhân có một giai đoạn hưng cảm kích thích, tăng khí sắc, nói nhanh là biểu hiện của rối loạn lưỡng cực. Bệnh nhân dùng rượu và ma túy có thể là rối loạn do sử dụng rượu hoặc rối loạn do dùng chất ma túy.
Để điều trị, bác sĩ căn cứ vào nguyên nhân và dạng rối loạn trầm cảm để dùng thuốc và trị liệu tâm lý, hành vi phù hợp. Người có dấu hiệu trầm cảm cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn kịp thời, làm giảm và mất hoàn toàn các triệu chứng, phòng ngừa tái phát. 
Người bệnh không coi nhẹ triệu chứng trầm cảm, hãy kể hết triệu chứng cho bạn bè, cho người thân. Khi phát hiện người bị trầm cảm, phải trấn an, tìm hiểu, tìm cách quan tâm và giúp đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm để tránh cơn trầm uất, thất thần quẫn trí. Bệnh nhân trầm cảm cần phải khám nhiều lần để điều trị, theo dõi đề phòng nặng thêm.

Cải thiện an ninh thực phẩm hộ gia đình phụ nữ nông thôn nghèo

Viện Dinh dưỡng (NIN) nghiên cứu cùng với các nhà khoa học của Đại học Ryers Canada với sự tài trợ của Tổ chức Nghiên Cứu Phát Triển Canada...