Thứ Ba, 4 tháng 12, 2018

Cô gái Đồng Tháp bị ung thư cổ tử cung ở tuổi 24

Bệnh nhân này là trường hợp trẻ nhất mắc ung thư cổ tử cung tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM. 

Bệnh nhân cho biết cách đây vài tháng có chảy máu âm đạo bất thường sau khi quan hệ vợ chồng. Kết quả sinh thiết tại Đồng Tháp cho thấy chị bị ung thư cổ tử cung giai đoạn 2. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Ung bướu TP HCM.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết cổ tử cung bệnh nhân có sang thương nên phải xạ trị trước. Ngày 14/11 các bác sĩ phẫu thuật nội soi cắt toàn bộ tử cung và nạo hạch chậu hai bên.
"Bệnh nhân đã có con nên lựa chọn phương án cắt hoàn toàn tử cung. Nếu bệnh nhân muốn bảo tồn tử cung để mang thai, bác sĩ vẫn có thể thực hiện nhưng việc điều trị ung thư khó triệt để", bác sĩ Tiến chia sẻ.
Đây là bệnh nhân ung thư cổ tử cung trẻ nhất tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM. Ung thư cổ tử cung là một trong 10 loại ung thư có số ca mắc mới và tử vong hàng đầu Việt Nam. Hơn 4.100 người phát hiện mới và 2.400 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung mỗi năm. Bệnh có khuynh hướng giảm hơn so với các bệnh lý ung thư phụ khoa khác nhưng tuổi bệnh nhân thì đang càng ngày càng trẻ hóa. Trước đây bệnh hầu như chỉ xuất hiện ở phụ nữ tuổi trung niên. 
Bác sĩ Tiến và đồng nghiệp phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: N.T
Bác sĩ Tiến và đồng nghiệp phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân. Ảnh: N.T
Bác sĩ Tiến cho biết thủ phạm gây ung thư cổ tử cung được con người phát hiện rất sớm, đó là virus HPV. Có nhiều yếu tố tăng nguy cơ gây bệnh, như bắt đầu hoạt động tình dục sớm, nhiều bạn tình, có một bạn tình nguy cơ cao. Người mắc các bệnh lây truyền đường tình dục, tân sinh hoặc ung thư tế bào gai ở âm hộ, âm đạo, ức chế miễn dịch như nhiễm HIV... cũng dễ bị ung thư tử cung. Sinh con sớm trước 20 tuổi, sinh nhiều con, tình trạng kinh tế xã hội thấp, hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Ung thư cổ tử cung thường có triệu chứng sớm. Khi có sang thương ở cổ tử cung kích thước nhỏ, lúc quan hệ hay hoạt động mạnh có thể ra dịch hay máu bất thường. Cần lưu ý đi khám khi xuất huyết âm đạo bất thường, xuất huyết sau giao hợp, tiết dịch âm đạo. Xét nghiệm Pap có thể phát hiện ra ung thư cổ tử cung ở giai đoạn tiền ung thư, thậm chí giai đoạn nghịch sản tế bào.
Nếu phát hiện can thiệp sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn bằng các phương pháp tuỳ theo giai đoạn như đốt điện, cắt leep, khoét chóp, cắt cổ tử cung, cắt tử cung bảo tồn sinh sản, cắt tử cung tận gốc hay xạ trị tận gốc, hóa - xạ trị... Khoảng 85-90% bệnh nhân giai đoạn đầu có thể trị khỏi bệnh.
Tầm soát bằng xét nghiệm tầm soát HPV và Pap giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong. Phụ nữ từ 21 đến 29 tuổi cần thử Pap mỗi 3 năm một lần. Phụ nữ từ 30 đến 65 tuổi phải có cả xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV cứ 5 năm một lần, hoặc chỉ thử nghiệm Pap cứ 3 năm một lần. Phụ nữ trên 65 tuổi tầm soát thường xuyên với kết quả bình thường không cần tiếp tục kiểm tra. Những phụ nữ có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung cần kiểm tra thường xuyên hơn.
Phòng ngừa bệnh bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh, quan hệ tình dục an toàn, không hút thuốc, hạn chế uống rượu bia, tiêm vắcxin ngừa ung thư cổ tử cung...

Cô con gái hàng ngày vẽ hình người cha ung thư

Từ ngày biết cha bị ung thư, Vương Thiên Nguyệt luôn ở cạnh giúp ông vượt qua căn bệnh. Để tiếp thêm nghị lực cho cha, cô gái 21 tuổi ở Trung Quốc ngày ngày lưu lại các khoảnh khắc của ông bằng chiếc bút chì và tờ giấy trắng.
"Trước đây tôi chưa từng ngắm kỹ ông dù chỉ một lần. Giờ đây, chỉ cần nhìn vào đôi mắt cha, tôi có thể cảm nhận được cả niềm vui lẫn sự đau đớn", Thiên Nguyệt chia sẻ.
Thiên Nguyệt vừa vẽ tranh vừa chăm bố tại bệnh viện. Ảnh: QQ.
Thiên Nguyệt vừa vẽ tranh vừa chăm bố tại bệnh viện. Ảnh: QQ.
Theo Xinhua, cha của Thiên Nguyệt là thầy giáo dạy vẽ. Ông là người duy nhất tin tưởng và hỗ trợ con gái theo đuổi nghệ thuật.
Tháng 3/2017, bị đau lưng và đau bụng, ông Vương được chẩn đoán ung thư đường mật. Ngày ông phẫu thuật cũng là ngày con gái thi đại học. "Mẹ sợ tôi bị ảnh hưởng đến kết quả thi nên nói dối là bố bị viêm túi mật. Sau đó biết bố bị ung thư, cả bầu trời như sụp xuống trước mắt tôi", Thiên Nguyệt kể.
6 tháng sau, đến lượt mẹ Thiên Nguyệt ngã bệnh. Hiện tình trạng bà đã ổn định nhưng sức khỏe không tốt như xưa. Chi phí chữa trị cho bố mẹ khiến gia đình lâm vào cảnh nghèo khó. Cha cô chủ động xin về nhà nhưng Thiên Nguyệt kiên quyết không đồng ý. 
Thiên Nguyệt kể rằng nhiều đêm cô không thể ngủ được. Cô gái bị đau dạ dày, rất sợ bản thân cũng mắc bệnh ung thư nhưng tự nhủ phải mạnh mẽ và luôn giữ nụ cười trên môi. Để cha mẹ bớt gánh nặng, Thiên Nguyệt nhận làm thêm ở chợ. Bên cạnh đó, cô chăm sóc ông tại bệnh viện và cặm cụi vẽ tranh, lưu giữ mọi giây phút bên ông. 
Những bức tranh vẽ bố của Thiên Nguyệt. Ảnh: QQ.
Những bức tranh vẽ bố của Thiên Nguyệt. Ảnh: QQ.
Gần đây, Thiên Nguyệt quyết định bán tranh trên mạng xã hội để kiếm thêm thu nhập. Câu chuyện về gia đình cô nhanh chóng lan rộng, nhiều người sẵn sàng quyên góp tiền giúp đỡ.
"Mọi chuyện sẽ ổn thôi. Bạn vẽ tốt lắm. Tôi tin rằng phép màu sẽ đến", một tài khoản nhắn nhủ cô gái.
Thiên Nguyệt vẽ tranh với hy vọng tiếp thêm nghị lực cho bố vượt qua ung thư. Ảnh: QQ.
Thiên Nguyệt vẽ tranh với hy vọng tiếp thêm nghị lực cho bố vượt qua ung thư. Ảnh: QQ.
Những bức tranh của Thiên Nguyệt không chỉ là liều thuốc tinh thần vô giá với người cha mà còn giúp vực dậy tinh thần mọi thành viên trong gia đình. Phía trước còn nhiều gian nan, song cô gái trẻ kiên quyết không đầu hàng.
"Con sẽ không từ bỏ chừng nào bác sĩ nói còn hy vọng. Con sẽ không để cha một mình. Con vẫn còn sức lực", Thiên Nguyệt khẳng định. 

Những chiến binh 'đầu trọc' chống lại ung thư vú

Ngày bà Mai phát hiện ung thư cũng là ngày tiễn cô con gái út đi Mỹ, nên bà quyết định giấu tin này để con yên tâm lên đường. 

Bà Đặng Mai ở TP HCM, năm 2015 phát hiện ung thư vú giai đoạn 3, khối u kích thước 1,5 mm ở ngực phải. Hai con gái bà đều du học ở Mỹ. Năm ấy tiễn con gái út ra sân bay xong, bà Mai bắt đầu chuẩn bị cho ca phẫu thuật cắt bỏ một bên vú.
Bà nhập viện và không thể nghe điện thoại của con gái từ Mỹ gọi về. Chồng bà phải nói dối con là "mẹ đi từ thiện, không có ở nhà".
"Nó trách mẹ sao đi bỏ bố ở nhà. Tóc của tôi rụng hết vì hóa trị, nên khi nói chuyện với cháu qua video call tôi đội tóc giả", bà Mai chia sẻ. Vào lúc cần những cái ôm nhất, cần tình cảm và sự chăm sóc của con gái, bà Mai vẫn quyết định giấu con tin mình ung thư, đặt sự bình tâm của con lên trên bệnh tật của mình.
"Một hôm, con gái út gọi điện về từ Mỹ. Cháu là sinh viên ngành hóa, nói muốn làm một nghiên cứu và hỏi tôi biết bệnh nhân ung thư nào giới thiệu cho cháu để làm nghiên cứu".
Người mẹ nghe con hỏi, không nhịn được, òa khóc.
Con gái lớn của bà khi ấy cũng đang ở đầu dây bên kia và cuộc nói chuyện điện thoại tán gẫu đơn thuần của gia đình họ trở thành kỷ niệm đầy nước mắt. Bài Mai cuối cùng cũng tiết lộ cho con về bệnh tình của mình.
Mai và những bức tranh cô tự vẽ tại nhà riêng. Bức tranh đầu tiên từ trái sang sẽ được cô tặng cho Thủy Tiên như một món quà cảm ơn. Mai đã là thành viên của mạng lưới BCNV được ba năm. Ảnh: Sen
Bà Mai trang trí góc tường bằng những bức tranh tự vẽ. Ảnh: Sen
Tư cũng là một bệnh nhân ung thư vú ở TP HCM, phát hiện bệnh vào tháng 4/2017. Không giống như hầu hết phụ nữ trung niên bị ung thư vú khác, Tư là một bà mẹ đơn thân.
Cô con gái 10 tuổi của Tư khi biết tin đã rất hoảng hốt. Bé đã thấy bệnh nhân ung thư qua phim ảnh nên trong đầu bé họ trông rất hốc hác và u ám.
"Tôi không muốn giấu bệnh với con. Tôi muốn con biết để có sự tự lập và không dựa dẫm vào mẹ", Tư nói.
Tóc, lông tay chân, chân mày... đều bị rụng hết do hóa trị. Sợ con gái lo lắng và không muốn con thấy mình giống bệnh nhân ung thư trong phim, Tư cố giữ hình ảnh tích cực mặc dù hóa trị làm chị rất mệt.
Từ ngày mẹ bệnh, con gái của Tư không còn như những đứa trẻ khác và trưởng thành hơn rất nhiều, chịu khó cùng bà ngoại chăm mẹ.
Tư tham gia Mạng lưới Ung thư Vú Việt Nam mới vài tháng nay. "Tôi tham dự các buổi chia sẻ của bác sĩ về ung thư và tham gia các lớp học yoga, nhảy zumba", chị nói.
Tư cho biết nhiều bệnh nhân ung thư vú sống khép kín, do bệnh tật. Vì vậy, họ cần thoát ra khỏi sự tự ti và hòa đồng với mọi người xung quanh.
"Hãy là chiến binh, đừng là một người chỉ biết sợ hãi", là thông điệp Mạng lưới Ung thư Vú Việt Nam (BCNV) muốn mang đến với bệnh nhân ung thư. Hàng nghìn người bệnh ung thư vú cùng thân nhân đang tham gia BCNV, để thêm động lực chiến đấu với bệnh tật và vượt qua chính mình.
Nguyễn Thủy Tiên, Giám đốc điều hành và nhà đồng sáng lập của Mạng Lưới Ung Thư Vú Việt Nam hòa mình vào điệu nhảy với thành viên mạng lưới và tình nguyện viên của mình tại Ngày Hội Nón Hồng. Ảnh: Thành Nguyễn
Nguyễn Thủy Tiên (không tóc), Giám đốc điều hành và nhà đồng sáng lập của Mạng lưới Ung thư Vú Việt Nam. Ảnh: Thành Nguyễn
Cũng như Tư, bà Mai là thành viên BCNV 3 năm qua. Bà không sử dụng tóc giả nữa, bởi con gái từ Mỹ về đã cắt tóc mình để làm tặng mẹ một bộ tóc giả. Giờ tóc của Mai đã mọc lại và cánh tay phải cử động được lại như trước. Nhờ vậy bà Mai có thể tiếp tục sở thích của mình là vẽ tranh. Bà tham gia một lớp học vẽ miễn phí do BCNV tổ chức để làm giàu trải nghiệm với hội họa.
Bà Mai đã học cách sống chung với ung thư. "Một người phụ nữ khôn ngoan và có học thức là một người biết tự chăm sóc bản thân trước", người phụ nữ chia sẻ.
Nhớ về một người bạn cũng mắc ung thư vú chữa đi chữa lại trong hơn 10 năm và giờ đã qua đời, bà Mai không nghĩ rằng mình có thể hồi phục và thoát ung thư hoàn toàn. Bởi lẽ các tế bào ung thư vẫn có thể ẩn nấp trong cơ thể và xuất hiện trở lại bất kỳ lúc nào. Và bà sẵn sàng đón nhận điều sẽ phải đến, với người thân bên cạnh mình.
"Tôi may mắn có chồng chăm sóc và có kiến thức về căn bệnh này, nhưng không phải ai cũng được như vậy. Tôi biết một đồng bệnh trẻ, người Bình Dương. Mỗi lần đi khám, cô ấy được chồng đưa đi bằng xe hơi. Khoảng 2 tháng sau tôi gặp lại, cô khóc nói bị chồng bỏ".
Chị em xếp hàng để được lên xe tầm soát ung thư vú. Ảnh: Lê Nga.
Phụ nữ xếp hàng chờ lên xe tầm soát ung thư vú. Ảnh: Lê Nga.
Bà Mai nhận thấy ung thư vú ảnh hưởng lớn đến nhu cầu sinh lý và làm giảm ham muốn của người bệnh. Mai cho rằng người đàn ông nào không rộng lượng, không hiểu biết cũng như sợ gánh nặng tài chính, thì sẽ không có kiên nhẫn chờ đợi người bạn đời của mình.
"Thế nên tôi luôn thận trọng khi chia sẻ và đưa ra lời khuyên với các đồng bệnh".
Mai và Tư là số ít bệnh nhân có đủ can đảm và sự cởi mở để chia sẻ câu chuyện của mình. Họ được xem như những chiến binh sống sót qua bệnh tật mang lại sự lạc quan vô giá cho những người giống mình cũng như người thân. 
Mắt của Mai sáng lên khi khoe: "Con gái tôi đã quyết định học lên thạc sĩ ngành Khoa học Y sinh để tìm cách chữa trị cho mẹ, và giảm bớt cơn đau trong quá trình hóa trị ung thư".
Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Việt Nam. Tỷ lệ mắc bệnh đã tăng gấp đôi trong hai thập kỷ qua, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Mỗi năm ở Việt Nam gần 165.000 trường hợp ung thư mới được phát hiện, trong đó hơn 15.000 người ung thư vú (9,2%).
Những năm gần đây, tuổi phụ nữ Việt Nam mắc ung thư vú đang ngày càng trẻ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chia sẻ từng phẫu thuật cho một bệnh nhi mới 9 tuổi đã mắc ung thư vú. Tuy nhiên, những trường hợp như vậy khá hiếm, chủ yếu người mắc ung thư vú là phụ nữ trưởng thành, càng cao tuổi càng có nguy cơ.
Bộ Y tế giữa tháng 10 phát động Chiến dịch "Tầm soát ung thư vú ngay khi sang tuổi 40", phối hợp giữa Quỹ Ngày mai tươi sáng và Bệnh viện K. Chiếc xe  trị giá 12 tỷ đồng trang thiết bị hiện đại đi các tỉnh tầm soát miễn phí ung thư vú có khoảng 8.000 phụ nữ. 
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, bệnh ung thư đang trở thành gánh nặng của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ung thư vú là bệnh thường gặp song hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Phát hiện càng sớm việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả cao, chi phí ít. Nhiều phụ nữ không đi tầm soát ung thư vú do tâm lý e ngại, khiến bệnh ở giai đoạn muộn, khó điều trị, chi phí lại cao.

6 cách giúp bạn phòng ngừa ung thư phổi

Bỏ thuốc lá, ăn uống lành mạnh, sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động... để phòng ngừa bệnh ung thư phổi.

Mỗi năm thế giới có khoảng 1,8 triệu người mắc mới ung thư phổi, 1,6 triệu người tử vong. Việt Nam hàng năm phát hiện 22.000 ca ung thư phổi, 19.500 bệnh nhân tử vong do bệnh này. Dự báo số người mắc bệnh ngày càng tăng.
Để phòng tránh ung thư phổi, bạn cần hạn chế các tác nhân gây bệnh và thay đổi lối sống.
Bỏ thuốc lá
Khi hít khói thuốc, không khí vào đường hô hấp trên qua mũi và miệng rồi qua khí quản để vào phổi. Người hút thuốc thường bài tiết nhiều đờm hơn người không hút. Khói thuốc làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhầy và thành phần của chất nhầy. Đôi khi các tuyến tiết nhầy bị tắc làm giảm khả năng bài tiết đờm, làm chất nhầy nhiễm các chất độc hại, tồn lưu nhiều trong phổi, cản trở sự lưu thông trao đổi khí.
Ảnh: Express.co.uk
Ảnh: Express.co.uk
Nguy cơ bị ung thư phổi của những người hút thuốc cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc. Mức độ tăng nguy cơ khác nhau tùy theo loại tế bào ung thư. Ngoài ra, người hút thuốc còn tăng nguy cơ nhiễm virus, nhiễm khuẩn lao phổi, mắc phổi mạn tính.
Sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động
Những người làm công việc có tính chất nguy hiểm như hầm mỏ, than đá, xăng dầu, phẩm nhuộm, phun sơn, công nghiệp nhựa, kỹ nghệ kim loại nặng... cần có đồ bảo hộ chuyên dụng gồm kính, găng tay, áo quần. Ô nhiễm từ môi trường, nước thải sinh hoạt, khói bụi xe cộ hàng ngày đều có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.
Loại bỏ hoàn toàn tấm lợp amiăng (fibro xi măng)
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về mối liên hệ giữa amiăng với bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư phổi, ung thư buồng trứng, ung thư biểu mô. Khi bạn hít phải bụi hô hấp có chứa bụi amiăng phát tán trong môi trường, bụi độc vào cơ thể và gây hại sau thời gian tiếp xúc rất lâu, từ 20-30 năm. Các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy amiăng có khả năng gây bệnh rất cao dù mức độ tiếp xúc thấp. WHO và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đều khuyến nghị các nước loại bỏ sử dụng tất cả các loại amiăng.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Hạn chế đồ ăn thức uống chế biến sẵn do chứa nhiều muối, chất bảo quản, đường công nghiệp, bột tinh luyện, phẩm màu... Những thực phẩm chế biến sẵn cũng thiếu chất dinh dưỡng cơ bản như chất xơ, các vitamin, enzim tiêu hóa và cả tinh bột thô.
Thường xuyên ăn rau quả tươi, cháo, cơm, sữa chua... rất tốt cho sức khỏe. Với các loại thịt, hãy luộc, hấp, thay vì chế biến nướng, quay, rán, xào.
Đặc biệt, hạn chế dùng túi nhựa, chai nhựa, hộp nhựa để đựng thức ăn. Các nhà nghiên cứu về độc tố trong môi trường tại trường đại học Amsterdam, Hà Lan, cho biết hạt nhựa cực nhỏ (Microplastics) có thể khiến cơ thể nhiễm độc tố, đột biến gen di truyền, làm chết các tế bào trong cơ thể. Vì vậy, sử dụng túi vải, túi giấy thay thế túi nilon khi đi chợ, dùng hộp đựng thức ăn bằng sứ, thủy tinh, inox thay vì hộp nhựa.
Vận động thường xuyên
Khi cơ thể khỏe mạnh, thông khí phổi tốt, khả năng miễn dịch sẽ tăng, lúc đó các tế bào lạ cũng ít có cơ hội phát triển thành khối u. Chạy bộ, đạp xe đạp, bơi, yoga, thiền, gym... được nhiều chuyên gia sức khỏe khuyên bạn tập thường xuyên.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Khám sức khỏe định kỳ giúp bạn phòng và phát hiện bệnh sớm. Bạn cảm thấy khỏe mạnh, chưa có các triệu chứng bệnh song thực tế nhiều bệnh đã có thể đang âm thầm phát triển. Đặc biệt, với bệnh ung thư, khám sức khỏe định kỳ cần thiết để phát hiện sớm và điều trị bệnh hiệu quả. Hơn 70% bệnh nhân ung thư tới bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị khó khăn và tốn kém.

42.000 phụ nữ Việt Nam bị ung thư vú

Cứ 100.000 phụ nữ hiện nay có 26,4 người bị ung thư vú, tăng so với năm năm trước đây. 

Đây là kết quả nghiên cứu của giáo sư Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, nhằm tìm hiểu về dịch tễ học và chẩn đoán, điều trị ung thư vú. 
Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Việt Nam và ngày càng tăng. Năm 2013 tỷ lệ mắc ung thư vú là khoảng 24,4 trong 100.000 người, 5 năm sau lên tới 26,4. Ước tính trung bình mỗi năm có hơn 15.000 chị em được phát hiện ung thư vú, hơn 6.000 ca tử vong. 42.000 phụ nữ Việt sống chung với bệnh.
Tuổi trung bình của bệnh nhân ung thư vú ở Việt Nam cũng trẻ hơn các nước. Đa số bệnh nhân phát hiện bệnh ở tuổi 30-34 và tăng nhanh, đỉnh cao ở 55-59 tuổi với tỷ lệ 135/100.000 người.
Phụ nữ Việt nên tầm soát ungt hư vú sớm. Ảnh: Lê Nga.
Tầm soát ung thư vú để phát hiện và điều trị sớm hiệu quả. Ảnh: Lê Nga.
Người bệnh càng trẻ thì tiên lượng càng xấu, theo giáo sư Thuấn. Người trẻ mắc ung thư vú dương tính với gene HER 2 cao hơn tuổi khác, là yếu tố nguy hiểm hơn các tác nhân gây bệnh khác. Bệnh nhân ung thư vú do gene HER 2 thì dễ di căn, nguy cơ tử vong cao. Người trẻ mắc ung thư vú khả năng chữa khỏi cũng thấp hơn so với người lớn tuổi. 
Hiện nay kỹ thuật hiện đại cho phép xác định chính xác bệnh nhân có thụ thể gene HER2 dương tính, để bác sĩ có phương án điều trị sớm và hợp lý, hiệu quả. Trước đây xác định gene HER 2 bằng phương pháp nhuộm hóa miễn dịch, tỷ lệ sai sót khoảng 5-10%. Hiện nay kỹ thuật FISH nhuộm huỳnh quang cho tỷ lệ chẩn đoán chính xác gần 100%. 
Kỹ thuật mới là yếu tố quan trọng để bác sĩ quyết định ứng dụng liệu pháp điều trị trúng đích. Tỷ lệ sống thêm sau 1-3 năm điều trị của bệnh nhân đạt tới 98%, kể cả người bị di căn hạch.
"Nếu không phát hiện được gene này, không áp dụng phương pháp mới điều trị thì tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân là dưới 50%", giáo sư Thuấn nói.
Hiện nay tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú của bệnh nhân tại Bệnh viện K là 75%, tương đương với Singapore. Nhóm nghiên cứu kỳ vọng tăng tỷ lệ người khỏi bệnh nếu phát hiện ung thư sớm hơn.

Cải thiện an ninh thực phẩm hộ gia đình phụ nữ nông thôn nghèo

Viện Dinh dưỡng (NIN) nghiên cứu cùng với các nhà khoa học của Đại học Ryers Canada với sự tài trợ của Tổ chức Nghiên Cứu Phát Triển Canada...