Thứ Ba, 26 tháng 11, 2019

Thiết bị phát hiện 13 loại ung thư chỉ với một giọt máu

Viện Nghiên cứu Ung thư Quốc gia và Đại học Y Tokyo công bố thiết bị mới có khả năng phát hiện sớm 13 loại ung thư.
Nhóm nghiên cứu thông báo ngày 25/11, thiết bị hoạt động dựa trên chu trình kiểm tra nồng độ của các phân tử microRNA tiết ra trong máu từ các tế bào ung thư. Chỉ bằng một vi mạch và một thiết bị nhỏ, tế bào ung thư sẽ được phát hiện trong chưa đầy 2 giờ, chi phí khoảng 180 USD (20.000 Yên), thậm chí còn thấp hơn.
Koji Hashimoto, nhà khoa học làm việc tại Phòng thí nghiệm Toshiba Frontier cho biết: "So với các phương pháp trước đây, thiết bị này có độ chính xác cao trong phát hiện ung thư với thời gian ngắn cùng mức chi phí hợp lý".
Thiết bị được sử dụng để chẩn đoán sớm bệnh ung thư dạ dày, thực quản, phổi, gan, đường mật, tụy, ruột, buồng trứng, tuyến tiền liệt, bàng quang và ung thư vú cũng như sarcoma và glioma.
Tập đoàn Toshiba đã hợp tác với Viện Nghiên cứu Ung thư Quốc gia và Đại học Y Tokyo phát triển thiết bị này, với mong muốn giúp sớm phát hiện và điều trị ung thư ngay từ giai đoạn đầu. Thiết bị sẽ được thử nghiệm vào năm 2020 và sớm có mặt trên thị trường.

Việt Nam sẽ tự sản xuất vắcxin dại

Việt Nam đang nhập khẩu vắcxin dại của Pháp, Ấn Độ, giá thành cao, sắp tới tự sản xuất theo công nghệ hiện đại nhất.
Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty Vắcxin và sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế), cho biết Việt Nam đã được các nhà khoa học về vắcxin từ Đại học Bristol (Anh) chuyển giao công nghệ sản xuất vắcxin hiện đại bậc nhất thế giới, ngày 26/11. Hai vắcxin được chuyển giao công nghệ mới để nghiên cứu và sản xuất là vắcxin dại và cúm.
Theo ông Đạt, nhu cầu sử dụng vắcxin dại ở Việt Nam rất lớn. Trước đây, Việt Nam đã sản xuất vắcxin dại từ chuột, song đã ngừng do có những phản ứng mất an toàn. Hiện, 100% lượng vắcxin dại đều phải nhập khẩu với giá thành đắt đỏ từ 300.000 đến 400.000 đồng một liều.
Sản xuất văcxin tại Công ty vắcxin và Sinh phẩm số 1. Ảnh: Tuấn Đinh.
Sản xuất vắcxin tại Công ty vắcxin và Sinh phẩm số 1. Ảnh: Tuấn Đinh.
"Nếu Việt Nam chủ động trong việc sản xuất vắcxin dại bằng công nghệ cao, người dân sẽ được sử dụng vắcxin chất lượng tốt với giá thành rẻ bằng một nửa hiện tại. Với công nghệ mới, thời gian nghiên cứu, sản xuất vắcxin được rút ngắn còn khoảng 3 năm thay vì 5-10 năm như trước đây", ông Đạt nói.
Với vắcxin truyền thống, việc sản xuất phải dựa trên quá trình phân lập chủng virus, sau đó nuôi cấy trong thời gian dài. Công nghệ mang tính đột phá này cho phép tổng hợp gene để tạo ra thành phẩm vắcxin trong thời gian ngắn.
Giáo sư Imre Berger, Đại học Bristol, cho biết công nghệ này đang được hơn 1.000 phòng thí nghiệm và hầu hết các hãng vắcxin lớn ứng dụng. "Chúng tôi chia sẻ kiến thức nhằm hỗ trợ và thúc đẩy việc phát triển vắcxin thế hệ mới đặc thù cho Việt Nam", ông Imre Berger nói.
Theo giáo sư Imre Berger từ vài năm trước đây, bắt đầu tại Việt Nam, dịch cúm gia cầm đã nhanh chóng bùng phát ra toàn thế giới đe dọa sức khỏe con người. "Trong khi vẫn còn tiềm tàng các mối đe dọa của cúm gia cầm tại Việt Nam, thì việc triển khai một loại vắcxin phù hợp có thể giúp ngăn ngừa đại dịch trong tương lai".

Nguy cơ phơi nhiễm hóa chất từ tiệm nail

Các sản phẩm chăm sóc móng tay chân chứa rất nhiều chất độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe, nhất là với các thợ nail.
Nghiên cứu công bố trên The Conversation ngày 22/11, các nhà khoa học từ Đại học Colorado khảo sát tỷ lệ phơi nhiễm hóa chất trong 6 tiệm nail (làm móng) ở bang Colorado. Theo đó, các thợ nail trong khảo sát, có người thâm niên 19 năm, cho biết đã chịu đựng bệnh đau đầu, kích ứng da hoặc tổn thương mắt.
Nhóm nghiên cứu tìm thấy 10 hợp chất VOC (hợp chất hữu cơ dễ bay hơi) phổ biến trong các tiệm nail với nồng độ đều vượt quá mức cho phép của Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp Mỹ (OSHA). Trong đó, các hợp chất benzene, toluene, ethylbenzene và xylenes ở các tiệm nail cũng được tìm thấy trong nhà máy lọc dầu hay xưởng sửa chữa ôtô.
Họ xác định "bộ ba" hóa chất độc hại gồm toluene, formaldehyde và dibutyl phthalate (DBP) là những hóa chất gây lo ngại lớn nhất cho sức khỏe của thợ nail. Cụ thể, toluene là dung môi phổ biến giúp giữ màu và tạo độ bóng cho bề mặt móng nhưng có thể gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương và khả năng sinh sản. Formaldehyde, chất gây ung thư được biết đến rộng rãi, thường được dùng để làm cứng móng và khử trùng các dụng cụ chăm sóc móng. Trong khi đó BDP chất hóa học được thêm vào trong sơn móng tay để tạo độ kết dính, cũng gây các vấn đề về sinh sản.
Bên cạnh đó, các tiệm nail thường không có hệ thống thông gió đủ tiêu chuẩn khiến cho các hợp chất VOC mắc kẹt bên trong mà không thể thoát ra ngoài. Điều này có nghĩa là các thợ nail sẽ hứng trọn bầu không khí chứa hóa chất độc hại trong cả ngày làm việc.

Bị cảm có nên tập thể dục?

Cảm nghẹt mũi, hắt hơi thông thường, bạn vẫn có thể tập nhẹ nhàng vừa sức. Bệnh nặng như khó thở, sốt, nôn, ho... thì không nên tập. 
Video Player is loading.
Hiện tại 0:13
/
Thời lượng 0:53
Đã tải: 0%
Tiến trình: 0%
Lê Cầm (Theo Aum Sum)


Chàng vận động viên thể hình vực dậy sau tai nạn

áu năm trước, Đặng Thanh Tùng 33 tuổi nhập viện do tai nạn, chấn thương đầu, cột sống, bể gót chân, bác sĩ khuyên "nên dừng sự nghiệp thể hình". 
Tùng là vận động viên thể hình quốc gia, tập gym từ năm 2001 vì hâm mộ lực sĩ Phạm Văn Mách và Lý Đức. Anh ao ước có cơ bắp chắc khỏe nên tham gia một câu lạc bộ thể hình. Lúc đó gym chưa phổ biến. Anh chủ yếu tự tập, không dùng thực phẩm bổ sung nên phải hai năm sau, cơ thể mới bắt đầu có cơ, múi, cân nặng tăng từ 55 lên 63 kg, tự tin mặc quần áo đúng phom người. 
Năm 2003, Tùng theo một vận động viên chuyên nghiệp và học lại từ đầu các kỹ năng tập, bài tập chuyên nghiệp, áp dụng chế độ ăn chuẩn. Hai năm sau, Tùng vô địch giải thể hình TP HCM hạng cân 65 kg và huy chương vàng vô địch châu Á. Hầu như năm nào cũng có huy chương vàng, cứ thi đấu là có mang về, là thời kỳ đỉnh cao của anh. 
Năm 2012, tai nạn ập đến khiến chàng trai 27 tuổi đối mặt với việc giã từ sự nghiệp. Tùng phải nằm điều trị tại nhà hơn một tháng bất động. Để di chuyển, anh phải bò vì không thể đứng thẳng người. 
"Thời gian đó tôi suy sụp, nghĩ đến tương lai mà thấy mịt mù nhưng trong lòng day dứt", Tùng nói. "Thú thực, bỏ thể hình thì tôi chẳng biết làm gì nữa".
Ai là vận động viên thể hình cũng ước mơ được lọt top 5 và đi bài, biểu diễn trên nền nhạc để khoe cơ bắp mà mình đã kì công tạc hơn ba tháng mới có được, Tùng nói. Ảnh: Nhân vật cung cấp
"Ai là vận động viên thể hình cũng ước mơ được lọt top 5 và đi bài, biểu diễn trên nền nhạc để khoe cơ bắp mà mình đã kỳ công tạc hơn ba tháng mới có được", Tùng nói. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ra viện, Tùng tập tễnh đến phòng tập vì "nhớ". Biết không cản được chồng, vợ và gia đình vẫn động viên, ủng hộ. Anh lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng để cơ thể làm quen lại. Nửa năm sau, cơ thể phục hồi 90 %, anh quyết định nâng tạ trở lại.
"Tôi không biết phải kể thế nào mới nói hết được những khó khăn trong thời gian đó. Nhưng, tôi tin sự trở lại lần này sẽ ý nghĩa và không khiến mọi người thất vọng", anh nói.
Năm 2014, anh tham gia Đại hội thể hình toàn quốc 4 năm một lần. Đây là giải đấu nhiều vận động viên mong ước. "Đời vận động viên có mấy lần 4 năm. Mình bỏ lỡ một lần và phải đợi 12 năm rồi", Tùng kể. 
Theo Tùng, đẹp trong thể hình đòi hỏi sự cân đối, tỷ lệ các bộ phận tay chân, vai, lưng phải đều, nhìn bắt mắt. Độ to cơ bắp phù hợp, không quá lớn và lệch nhau. Đặc biệt, vận động viên thể hình phải tập luyện, ăn kiêng để có độ khô, độ nét của cơ được rõ ràng. Trong đó, ăn kiêng chiếm đến 70 %. 
Khi tập, phải lắng nghe cơ thể để biết khuyết điểm của bản thân và lên kế hoạch tập luyện. Với Tùng, anh tăng cường bài tập cho ngực nhiều hơn do phần ngực bị lõm. Trong tuần, số buổi tập ngực cũng được ưu tiên hơn. Ngoài ra, anh không nên tập dồn dập mà quan sát kỹ thay đổi cơ thể, siết chặt để lượng mỡ ít nhất, lộ gân như tạc tượng mới. Lựa chọn điểm rơi vào lúc đẹp nhất cũng là lúc thi đấu.
Năm 2014, Tùng tham gia đào tạo, huấn luyện các vận động viên trẻ. Theo anh, việc dạy học cũng là cách anh trau dồi kiến thức về nghề. 
Khi biểu diễn, bạn sẽ được bôi lớp dầu để hiện rõ cơ bắp và đường gân trên cơ thể. Càng rõ nét càng đẹp. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Vận động viên thể hình có cơ bắp và đường gân cơ thể càng rõ nét càng đẹp. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hiện tại, Tùng duy trì chế độ dinh dưỡng riêng và không ăn chung với gia đình bởi chế độ dinh dưỡng rất quan trọng với các vận động viên. "Đối với những người mới tập, bạn nên dành thời gian tìm hiểu về món ăn, cách chế biến, nên ăn gì, không nên ăn gì. Đây là điều khó khăn nhất nhưng vượt qua thì coi như thành công 7, 8 phần", anh nói.  
Trong quá trình tập luyện, người tập còn bị chững cân, không tăng, không giảm. Đây cũng là lúc gây chán nản và uể oải kể cả với người tập lâu năm. Do đó, muốn theo đuổi bộ môn lâu dài, nên học kiên trì và nhẫn nại thì mới có kết quả như ý muốn. Thời gian rảnh, anh cùng bạn bè xem lại video thi đấu để rút kinh nghiệm và hoàn thiện ở mùa giải sau.
"Điều đặc biệt bộ môn này là không giới hạn độ tuổi tham dự nên cứ còn phong độ thì Tùng sẽ tham gia thi đấu. Tùng không đặt nặng vấn đề huy chương, quan trọng nhất khi thi đấu phải hết mình". 

Vì sao nên ăn trứng vịt lộn với rau răm?

Trứng vịt lộn ăn cùng rau răm có tác dụng ấm bụng, chống đầy hơi và dễ tiêu hóa... là sự kết hợp hài hòa cân bằng cho cơ thể.
Dược sĩ dinh dưỡng Trần Thị Hải, Phòng khám Đông y Sài Gòn, cho biết trứng vịt lộn chứa protein, lipid, canxi, photpho, cholesterol, nhiều beta carotene, các vitamin nhóm A, B, C, sắt... Theo Đông y, trứng vịt lộn là một món ăn bài thuốc có công dụng tu âm, dưỡng huyết, ích trí, bồi bổ cơ thể, chữa suy nhược, chóng mặt, tăng cường sinh lý. 
Trứng vịt lộn thường ăn cùng rau răm. Đây là cách kết hợp hài hòa đem lại sự cân bằng cho cơ thể. Rau răm vị cay nồng, tính ấm, có tác dụng sáng mắt, tiêu thực, ấm bụng, sát trùng, chống lạnh bụng và đầy hơi. Trứng vịt lộn cường dương nên phải ăn kèm rau răm vì rau răm sẽ giảm bớt ham muốn tình dục.
Tuy nhiên, ăn quá nhiều trứng vịt lộn mỗi ngày và ăn liên tục có thể làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu, nguy cơ gây ra các bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... Bên cạnh đó, ăn nhiều rau răm sống sẽ sinh nóng rét, giảm khả năng tình dục ở nam giới. Nhiều nghiên cứu cho thấy rau răm chứa một số tinh dầu và chất ức chế dục tính.
Rau răm do tính nóng có thể gây sảy thai, phụ nữ có thai không nên ăn quá nhiều. Người béo phì, người già, bệnh nhân cao huyết áp, tiểu đường đường, rối loạn mỡ máu, tim mạch cũng cần hạn chế ăn món ăn này. Người lớn khỏe mạnh mỗi tuần tốt nhất chỉ nên ăn hai trứng vịt lộn kèm khoảng 5 g rau răm tươi.

Cốc bia cuối cùng của người cha ung thư

Norbert Schemm 87 tuổi, ung thư đại tràng, nằm trên giường với mũi cắm ống thở, tay cầm chai bia cười tươi cùng vợ mình và ba người con trai.
Khoảnh khắc xúc động đã được cháu của ông cụ là Adam Schemm đăng tải trên trang cá nhân của mình ngày 21/11 với mô tả: "Ông nội tôi qua đời ngày hôm nay. Đêm qua, tất cả những gì ông muốn chỉ là uống bia các con trai mình". Bức ảnh này được chụp chỉ 90 phút trước khi ông cụ qua đời.
Ông Norbert Schemm uống bia cùng các con trước khi qua đời. Ảnh: Adam Schemm 
Ông Norbert Schemm uống bia cùng các con trước khi qua đời. Ảnh: Adam Schemm 
"Cả nhà đã trò chuyện về gia đình và ông dặn dò mọi người chăm sóc cho bà nội. Họ đã lấy nhau được 65 năm. Giây phút đó rất có ý nghĩa với ông. Mọi người đều đã chuẩn bị trước tâm lý, và chỉ muốn có những phút vui vẻ cuối cùng với nhau", Adam chia sẻ.
Hình ảnh nhanh chóng được lan truyền rộng rãi, nhận được sự chú ý của hơn 320.000 người dùng mạng xã hội và hàng nghìn lượt bình luận. Nhiều người sau đó cũng chọn cách tương tự để chào tạm biệt những người thân yêu trong giây phút cuối cùng. 
Nhiều người sau đó đã chia sẻ những hình ảnh tương tự. Ảnh: Robert Dorsch
Nhiều người sau đó đã chia sẻ những hình ảnh tương tự. Ảnh: Robert Dorsch.

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2019

Châm cứu tai cai thuốc lá

Phương pháp nhĩ châm (châm cứu vào tai) nhằm cắt sự phụ thuộc vào thuốc lá và giải quyết các triệu chứng khó chịu do thuốc lá gây ra.
Bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Y dược học dân tộc TP HCM cho biết người hút thuốc có thể cai nghiện thành công bằng phương pháp y học cổ truyền như nhĩ châm, thể châm, xoa bóp bấm huyệt, tập dưỡng sinh, thuốc y học cổ truyền...
Trong đó, phương pháp nhĩ châm thường được lựa chọn vì có thể lưu kim trong vòng vài ngày để kéo dài tác dụng châm cứu. 
Nhĩ châm là phương pháp tác động vào vùng loa tai hai bên nhằm đạt được tác dụng phòng và chữa bệnh. Cơ chế tác dụng của nhĩ châm là điều hòa khí huyết, cân bằng cơ thể.
Ảnh viện cung cấp
Bác sĩ gắn miếng nhĩ áp ở nhiều điểm trên loa tai của bệnh nhân. Ảnh bệnh viện cung cấp.
Trước khi thực hiện, người muốn cai nghiện được tư vấn tâm lý và cam kết cai thuốc lá. Bác sĩ tiến hành đo đạc các chỉ số như nồng độ CO trong hơi thở, huyết áp, nhịp tim. Sau đó bệnh nhân được châm cứu vào các huyệt ở tai bao gồm yết hầu, phế, thần môn, nội tiết.
Khi châm kim vào các huyệt này, cơ thể sẽ phóng thích chất beta-endorphin giúp người nghiện thuốc lá vượt qua cảm giác thèm thuốc, bứt rứt, chán ăn, mất ngủ, lo âu, đau đầu. Nếu người cai nghiện xuất hiện cảm giác thèm hút, muốn hút hoặc có cảm giác khó chịu khác thì dùng tay ấn vào những điểm đã gắn miếng nhĩ áp trên loa tai của mình trong vòng 5 đến 10 giây.
Bác sĩ Lan cho biết liệu pháp này không áp dụng cho phụ nữ mang thai hoặc dễ bị sảy thai. Nhĩ châm cũng không khuyến khích đối với bệnh nhân tai bị sưng tấy, loét, eczema. Không dùng cho người bị bệnh nặng hoặc thiếu máu nặng.
Thống kê của chương trình phòng chống tác hại thuốc lá, sau 20 phút ngưng hút thuốc, huyết áp và mạch trở về bình thường. Sau 8 giờ, CO và oxy máu đạt mức lý tưởng. Sau một ngày sẽ giảm nguy cơ đau thắt ngực. Hai ngày tiếp theo, tổn thương đầu dây thần kinh hồi phục. Chức năng phổi cải thiện 30% sau hai tuần cai thuốc. Một năm sau, nguy cơ ung thư phổi, và nhồi máu cơ tim giảm 50% so với người hút thuốc.

Tiền đái tháo đường nguy hiểm thế nào?

Tiền đái tháo đường không điều trị sẽ thành tiểu đường tuýp 2, biến chứng giảm thị lực, mù lòa, bệnh tim mạch, đột quỵ, suy thận, đoạn chi.
Tiền đái tháo đường là tình trạng cơ thể có nồng độ đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa đủ cao để chẩn đoán là bệnh.
"Trong các biến chứng mạch máu lớn của đái tháo đường, biến chứng trên tim mạch là nguyên nhân gây tử vong thường gặp nhất ở bệnh nhân này với 2 biểu hiện lâm sàng là bệnh mạch vành và đột quỵ", giáo sư Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam cho biết hôm 23/11.
Bệnh nhân tiền đái tháo đường đang gia tăng nhanh ở Việt Nam. Theo điều tra dịch tễ năm 2012, tỷ lệ mắc tiền đái tháo đường cao hơn gấp đôi so với đái tháo đường (13,7% so với 5,4%). Kết quả điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, gần 69% người tăng đường huyết chưa được phát hiện. Chỉ số đường huyết người mắc tiền đái tháo đường được xác định ở mức 100 - 125mg/dL so với mức = 126mg/dL ở người mắc tiểu đường.
Khi bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường, các biến chứng mạch máu lớn đã tồn tại từ trước đó, trong giai đoạn tiền đái tháo đường. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh nguy cơ tim mạch tăng 20% ở người tiền đái tháo đường so với người bình thường. Kiểm soát đường huyết trở về bình thường sẽ làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
Bệnh nhân tiểu đường bị biến chứng chân được bác sĩ kiểm tra. Ảnh: Quỳnh Nguyễn.
Bệnh nhân tiểu đường bị biến chứng chân được bác sĩ kiểm tra. Ảnh: Quỳnh Nguyễn.
Thống kê từ các nghiên cứu thì 11% người tiền đái tháo đường tiến triển thành đái tháo đường mỗi năm. 15-30% người tiền đái tháo đường sẽ mắc tiểu đường trong vòng 5 năm, ước tính tỷ lệ này lên đến 50% trong vòng 10 năm.
"Thông thường, phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ có 20-60% nguy cơ tiến triển thành tiểu đường trong vòng 5-10 năm sau khi mang thai", ông Dàng nói.
Bệnh có thể hồi phục, thông qua điều chỉnh lối sống dựa trên chế độ ăn uống lành mạnh và tăng mức độ hoạt động thể chất. Người mắc tiền đái tháo đường vẫn có cơ hội làm chậm quá trình diễn tiến thành bệnh và thậm chí là quay trở lại mức đường huyết bình thường. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị ngay từ giai đoạn sớm rất quan trọng.
Nhóm nên đi tầm soát tiền đái tháo đường là người trên 45 tuổi, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ và người thừa cân, béo phì. Mọi người cũng cần can thiệp lối sống bao gồm hoạt động thể lực 150 phút một tuần, giảm cân và duy trì cân nặng phù hợp, ăn nhiều rau xanh, trái cây, ít chất béo, ngưng hút thuốc lá. Nếu vẫn không kiểm soát được đường huyết với các biện pháp thay đổi lối sống trong vòng 3-6 tháng, có thể cần điều trị bằng thuốc.
Từ tháng 11/2019 đến 2020, Chương trình tầm soát tiền đái tháo đường vì phúc lợi bệnh nhân, do Hội Nội tiết - đái tháo đường và Merck Việt Nam thực hiện sẽ giúp bệnh nhân chẩn đoán sớm bệnh. Chương trình tổ chức tại 6 bệnh viện lớn, bao gồm Chợ Rẫy, Đại học Y Dược, Trung ương Huế, Nội tiết Nghệ An, Nội tiết Trung ương và Tim Hà Nội. Những người có nguy cơ cao như thừa cân, tăng huyết áp, gia đình có tiền sử bệnh, rối loạn mỡ máu... nên đi tầm soát.

Biến chứng nguy hiểm của viêm phổi, viêm màng não do phế cầu

Phế cầu khuẩn gây viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não, nhiễm trùng máu, với tỷ lệ tỷ vong 10-20%, đặc biệt vào mùa lạnh.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM cho biết, phế cầu khuẩn thường trú sẵn trong hầu họng của cả người lớn và trẻ em. Khi sức khỏe suy yếu, khả năng thích nghi của cơ thể kém hơn vào mùa lạnh, chúng sẽ tấn công vào đường hô hấp và gây ra các bệnh viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa...Việc phát bệnh phụ thuộc vào sức đề kháng của hệ miễn dịch. Vì thế, trẻ em với hệ miễn dịch chưa đầy đủ và người già bị suy giảm sức đề kháng, người mắc bệnh mạn tính như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là các đối tượng dễ mắc bệnh.
Bệnh thường tiến triển nhanh, để lại di chứng nặng như mù, điếc, liệt, chậm phát triển tâm thần kinh... Tỷ lệ tử vong do các bệnh này rất cao, 10- 20%; đặc biệt ở trẻ nhỏ hoặc người già, tỷ lệ này lên đến trên 50%. Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 2,9 triệu lượt trẻ mắc viêm phổi và khoảng 4.000 trẻ tử vong vì căn bệnh này.
Trẻ cần được tiêm vắc xin phế cầu từ 6 tuần tuổi để phòng ngừa viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm tai giữa...
Một bà mẹ cho con tiêm ngừa tại trung tâm tiêm chủng VNVC.
Trên thế giới, mỗi 39 giây có một em bé chết vì viêm phổi. Hơn 800.000 trẻ đã chết do bệnh này, năm 2018, theo số liệu của các tổ chức về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Viêm phổi là một trong những nguyên nhân cướp đi nhiều sinh mạng con trẻ nhất thế giới. Trong báo cáo công bố ngày 11/11, các tổ chức này gọi viêm phổi là "bệnh dịch bị quên lãng".
Viêm tai giữa do phế cầu khuẩn Streptococcus pneumoniae (40-50%), vi khuẩn Haemophilus influenzae và NTHi (30-40%)... cũng là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Dẫn chứng số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bác sĩ Khanh cho biết hàng năm có hơn 350 triệu ca mắc viêm tai giữa cấp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hầu hết các ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Hơn một phần ba trong số đó, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới một tuổi sẽ bị nhiễm trùng lặp đi lặp lại nhiều lần trong năm, thậm chí phải can thiệp phẫu thuật. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ bị viêm tai giữa cấp có thể gặp biến chứng thủng màng nhĩ, giảm thính lực, viêm xương chũm, liệt mặt, áp xe não, viêm màng não...
"Không chỉ gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, vi khuẩn phế cầu hiện nay đã đề kháng nhiều loại kháng sinh. Khi điều trị bệnh phải dùng kháng sinh mạnh, liều cao hoặc phối hợp nhiều loại kháng sinh dẫn đến chi phí cao, thời gian điều trị kéo dài mà chưa chắc đã đáp ứng", ông chia sẻ.
Bác sĩ Khanh khuyến cáo, các bệnh viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa... do phế cầu khuẩn nguy hiểm nhưng hiện nay đã có vắcxin phòng ngừa hiệu quả. Trẻ từ 6 tuần tuổi đến người cao tuổi nên được chích ngừa vắcxin phòng các bệnh do phế cầu. Bên cạnh đó, cần xây dựng miễn dịch cộng đồng, bố, mẹ của trẻ, thậm chí người trông trẻ cũng nên chích ngừa để phòng lây nhiễm cho trẻ. Thời điểm giao mùa, bắt đầu mùa lạnh là lúc phế cầu khuẩn hoạt động mạnh, tỷ lệ gây bệnh cao, do đó cần tăng cường tiêm ngừa vắcxin phòng bệnh do phế cầu cho những đối tượng chưa được tiêm trước đó.
Người lớn cũng cần tiêm vắc xin phế cầu để bảo vệ bản thân, tránh lây bệnh cho các thành viên trong gia đình.
Trung tâm tiêm chủng VNVC hiện có sẵn vắcxin phòng phế cầu khuẩn cho trẻ em và người lớn.
Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Ngọc An Pha - Giám đốc Y khoa, Hệ thống Tiêm chủng dành cho trẻ em và người lớn VNVC cho biết, Việt Nam đang sử dụng hai loại vắcxin phế cầu cho trẻ em và người lớn là vắcxin Synflorix, có thể tiêm cho trẻ từ sớm (6 tuần tuổi đến 5 tuổi), đạt hiệu quả cao trong phòng bệnh viêm tai giữa ở trẻ em và vắcxin Prevenar 13, có thể tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên lẫn người lớn. Trẻ trên 5 tuổi, người cao tuổi và người mắc các bệnh lý mạn tính trước đây không có vắcxin phòng bệnh do phế cầu khuẩn có thể tiêm vắcxin Prevenar 13 tại tất cả các trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc.
Theo bác sĩ Bùi Ngọc An Pha, vắc xin phòng bệnh do phế cầu Synflorix và Prevenar 13 sử dụng rộng rãi tại hơn 100 quốc gia trên thế giới và được chứng minh hiệu quả trong phòng ngừa các chủng phế cầu phổ biến gây bệnh viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng máu) cho trẻ em lẫn người lớn. Nếu được tiêm phòng các bệnh do phế cầu, người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính sẽ giảm nguy cơ phải nhập viện điều trị do cơn COPD kịch phát, giảm chi phí điều trị.
bịTrung tâm tiêm chủng VNVC hiện có sẵn vắc xin phòng phế cầu khuẩn cho trẻ em và người lớn.
Nhiều người cao tuổi đã đến trung tâm tiêm chủng VNVC để tiêm vắcxin phòng bệnh do phế cầu khuẩn.

Hồi sinh cơ thể chỉ còn 13% máu

Nguyễn Thanh Sơn 23 tuổi tưởng chết trên biển, may mắn sống được nhờ nhận 11 đơn vị máu hiếm từ những người xa lạ hiến.
"Nếu không có 11 đơn vị máu hiếm của mọi người, chắc em không còn đứng ở đây", Thanh Sơn mở đầu cầu chuyện tại Cuộc gặp mặt câu lạc bộ người có nhóm máu hiếm khu vực phía Bắc, ở Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, ngày 24/11.
Mất đi cánh tay phải sau vụ tai nạn, Sơn vẫn cười tươi kể về đêm định mệnh ấy. Giữa năm ngoái, khi đang đánh cá trên biển, không may Sơn bị mảnh kim loại văng trúng cánh tay phải, đứt động mạch, chảy rất nhiều máu. Hơn 2 giờ lênh đênh trên biển, Sơn được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An cấp cứu trong tình trạng hôn mê, cơ thể chỉ còn 13% máu. Sau khi xét nghiệm, bác sĩ thông báo Sơn thuộc nhóm máu A Rh(D)-, đây là nhóm máu hiếm.
"Bác sĩ bảo có tiền cũng không mua được máu", Sơn kể.
Tình trạng của Sơn lúc đó rất nguy cấp, không thể phẫu thuật cũng không thể chuyển viện bởi không có máu truyền. Gia đình Sơn đã đăng thông tin lên mạng xã hội để kêu gọi mọi người có nhóm máu hiếm đến giúp. Nhiều người ở xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, nơi Sơn sinh sống, đã đến trung tâm y tế để đăng ký hiến máu nhưng không ai trùng nhóm máu.
May mắn, đêm đó, có 2 phụ nữ xa lạ tìm đến bệnh viện để hiến máu cho Sơn. Nhờ có 2 đơn vị máu này, Sơn qua cơn nguy kịch để chuyển ra Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu. Thế nhưng bệnh viện Việt Đức cũng chỉ có 2 đơn vị máu để truyền cho cuộc phẫu thuật lần một. Thông tin về Sơn tiếp tục được các tình nguyện viên đăng tải trên các hội nhóm hiến máu. Vũ Hoàng Long, 28 tuổi, quê ở Bá Thước, Thanh Hóa đã bắt xe khách ra bệnh viện để hiến máu cho Sơn. Trong đêm, bác sĩ nói hiện chưa cần nên Long thuê nhà trọ ngủ lại, đợi sáng hôm sau hiến.
Sau đó, Sơn may mắn nhận được thêm 7 đơn vị máu hiếm khác đủ cho 3 cuộc phẫu thuật. Chàng trai hồi sinh nhưng vì thời gian đến bệnh viện cấp cứu quá trễ nên cánh tay phải không thể cứu. Khi tỉnh dậy, được người thân kể lại những người đã hiến tặng máu cho mình, Sơn xúc động. Giờ Sơn khỏe mạnh bình thường, vẫn đi biển.
Sau khi hồi phục, việc đầu tiên Sơn làm là gia nhập CLB nhóm máu hiếm tỉnh Thanh Hóa. "Em đã được hồi sinh nhờ những giọt máu của người xa lạ, giờ em muốn trao tặng lại máu của mình cho những người kém may mắn khác", Sơn nói.
Sơn (phải) gặp lại Long trong buổi gặp mặt câu lạc bộ người có hóm máu hiếm miền Bắc. Ảnh: L.N
Sơn (phải) gặp lại Long trong buổi gặp mặt câu lạc bộ người có nhóm máu hiếm miền Bắc. Ảnh: L.N
Ngày 24/11 tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Sơn và Long gặp lại nhau. Sơn vô cùng cảm kích khi gặp lại ân nhân. Sơn và Long chỉ là 2 trong số hàng trăm thành viên của CLB máu hiếm khu vực phía Bắc. "Chỉ cần gọi là có mặt" là thông điệp của câu lạc bộ.
Năm 1901, nhà bác học Karl Landsteiner đã phát hiện ra hệ nhóm máu ABO, mở ra kỷ nguyên mới trong thực hành truyền máu. Những năm sau đó, nhiều hệ nhóm máu hồng cầu khác đã được phát hiện như hệ nhóm máu Rh, Kell, Kidd, Duffy, Lewis, MNS...
Năm 2019, Hội Truyền máu quốc tế công nhận có tới 39 hệ nhóm máu hồng cầu với 367 kháng nguyên nhóm máu khác nhau; trong đó, hai hệ nhóm máu ABO và Rh là quan trọng nhất trong hoạt động truyền máu.
Ở Việt Nam, những người có nhóm máu Rh(D) âm (bao gồm nhóm O-, A-, B-, AB-) ước tính chiếm khoảng 0,1% dân số, nên được coi là nhóm máu hiếm. Trong khi đó, ở châu Âu, châu Mỹ, Australia... tỷ lệ nhóm máu Rh(D) âm trong cộng đồng cao hơn nhiều, chiếm khoảng 15-40% dân số.
Nhóm máu hiếm Rh(D) âm như các nhóm máu khác; người có nhóm máu hiếm có cuộc sống sinh hoạt, học tập, lao động như tất cả những người mang nhóm máu Rh(D) dương (trên 99% người Việt Nam).

Hơn 1.000 bệnh nhân được mổ bởi dụng cụ bẩn

Dụng cụ mổ tại Bệnh viện Goshen không được tiệt trùng đúng cách khiến 1.182 bệnh nhân có nguy cơ phơi nhiễm viêm gan B, C và HIV.
Các bệnh nhân này được bệnh viện phẫu thuật trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9. Theo báo cáo của bệnh viện hôm 20/11, nhân viên y tế đã không thực hiện đủ các bước tiệt trùng dụng cụ phẫu thuật cho những bệnh nhân này, dẫn đến nguy cơ phơi nhiễm viêm gan và HIV. 
Hiện các bệnh nhân được xét nghiệm kiểm tra sức khỏe miễn phí. Dù vậy, đại diện bệnh viện, giám đốc y tế Daniel Nafziger cho rằng "nguy cơ lây nhiễm là rất thấp" và "đã áp dụng các biện pháp an toàn bổ sung để đảm bảo sự việc tương tự không xảy ra".
Quy trình tiệt khuẩn dụng cụ tại bệnh viện sai sót trong nhiều tháng. Ảnh: Fox News 
Quy trình tiệt khuẩn dụng cụ tại bệnh viện không chuẩn khiến bệnh nhân nguy cơ phơi nhiễm bệnh nguy hiểm. Ảnh: Fox News. 
Bệnh nhân Lori Deboard chia sẻ mối lo lắng về tình trạng sức khỏe của mình: "Căn bệnh tôi có thể mắc phải không những gây nguy hiểm tới tôi mà có thể lây cho cả chồng và các con tôi. Tôi rất tức giận". 

Cải thiện an ninh thực phẩm hộ gia đình phụ nữ nông thôn nghèo

Viện Dinh dưỡng (NIN) nghiên cứu cùng với các nhà khoa học của Đại học Ryers Canada với sự tài trợ của Tổ chức Nghiên Cứu Phát Triển Canada...